Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xét duyệt danh sách 57 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, tuy nhiên, vẫn chưa có chủ tàu nào được vay vốn ngân hàng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn chung việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở địa phương cơ bản đạt yêu cầu tiến độ, chất lượng đề ra. Hiện tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 cho 6 huyện, thành phố nghề cá của tỉnh, với số lượng 92 tàu (83 tàu khai thác; 9 tàu dịch vụ hậu cần) trong đó có 30 tàu vỏ thép, vật liệu mới; 62 tàu vỏ gỗ.
Sau khi thẩm định, rà soát, UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, gồm 57 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp máy chính. Trong số 57 dự án tàu đóng mới (52 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ hậu cần), có 22 tàu vỏ thép, 4 vỏ composite, 31 tàu vỏ gỗ.
Tỉnh cũng đã giới thiệu 21 thiết kế mẫu tàu vỏ thép đã được phê duyệt để các chủ tàu lựa chọn, hướng dẫn các chủ tàu cách thức thực hiện điều chỉnh thiết kế theo quy định của Tổng cục Thủy sản. Đã công bố 7 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tổ chức 9 lớp tập huấn phổ biến các quy định, điều kiện và hướng dẫn hồ sơ thủ tục mua bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên, ngư lưới cụ; hướng dẫn quy trình thành lập Tổ đoàn kết sản xuất trên biển…
Tuy nhiên, tiến độ triển khai Nghị định 67 trong giai đoạn từ phê duyệt danh sách chủ tàu đến vay vốn đóng tàu còn chậm. Trong số 57 tàu đóng mới được UBND tỉnh phê duyệt vẫn chưa có hồ sơ nào được giải ngân vốn. Hiện nay, các chủ tàu được phê duyệt danh sách đang thực hiện lựa chọn thiết kế tàu, cơ sở đóng tàu, tiếp cận các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn để thỏa thuận và ký kết hợp đồng vay vốn.
Để triển khai thực hiện Nghị định 67 đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định thống nhất thực hiện cho vay theo chính sách tín dụng trong Nghị định 67: Quy trình thủ tục vay vốn, các tiêu chí đánh giá, thẩm định phương án vay vốn để ngư dân dễ dàng thực hiện.
Đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các quy định về điều kiện được hỗ trợ chính sách bảo hiểm đối với "tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ"; nội dung hỗ trợ bảo hiểm rủi ro đặc biệt; các tiêu chí, định mức kỹ thuật áp dụng đối với máy chính tàu cá trong chính sách tín dụng... để địa phương có cơ sở thực hiện.
Thế Phong
Theo Chinhphu.vn