Nền kinh tế Mỹ được cho là mảng sáng lớn trong bức tranh nhiều màu xám của kinh tế thế giới năm 2015, bất chấp giá dầu giảm mạnh có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm khoảng 0,5%.
Kết quả một cuộc khảo sát hơn 1.300 giám đốc điều hành (CEO) trên toàn cầu vừa được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra từ 21-24/1 cho thấy, các CEO trong khi tỏ ra bi quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh châu Âu đối mặt giảm phát và giá hàng hóa cơ bản giảm chóng mặt, lại có quan điểm lạc quan về nền kinh tế Mỹ, xem đây là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế thế giới hiện nay.
Theo kết quả khảo sát, lần đầu tiên trong 5 năm, Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường tăng trưởng ở nước ngoài quan trọng nhất của các CEO trên khắp thế giới. Với quy mô nền kinh tế Mỹ đã tăng khoảng 7% so với trước khủng hoảng tài chính và ngày càng có nhiều việc làm mới được tạo ra, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Mỹ bởi nước này tiếp tục là một trung tâm sáng tạo công nghệ của thế giới. Kết quả này tương đồng với nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới, công bố hôm 20/1. Trong báo cáo này, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 nhưng tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ.
“Đang có những yếu tố mới hỗ trợ cho tăng trưởng, bao gồm giá dầu giảm và sự mất giá của đồng euro và yen Nhật. Tuy nhiên, những yếu tố này không bù đắp được những yếu tố tiêu cực, bao gồm những vấn đề còn tồn tại từ khủng hoảng tài chính toàn cầu và tiềm năng tăng trưởng suy giảm ở nhiều quốc gia”, chuyên gia kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF nhận định.
Trong báo cáo công bố ngày 21/1, IMF nhận định Mỹ là điểm sáng duy nhất trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, với mức tăng trưởng được dự báo đạt 3,6% trong năm nay, từ mức 3,1% đưa ra trong lần dự báo trước. Trong khi đó, theo IMF, kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2015, nhưng với tốc độ chậm chạp. Tổ chức này dự báo, kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,4% trong năm 2016.
Trước đó, ngân hàng thế giới (WB) cũng có nhận định lạc quan về kinh tế Mỹ. WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay lên 3,2% từ mức dự báo 3% đưa ra hồi tháng 6. Theo WB, sự phục hồi toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn, bao gồm bất ổn tài chính gia tăng, căng thẳng địa chính trị gia tăng và tình trạng trì trệ tăng trưởng kéo dài ở Eurozone và Nhật Bản. Tổ chức này dự báo, kinh tế Eurozone sẽ tăng 1,1% trong năm nay, giảm từ mức 1,8% đưa ra trong lần dự báo trước. Kinh tế Nhật được dự báo tăng 1,2%, giảm so với mức dự báo trước là 1,3%. Trung Quốc cũng là một nền kinh tế lớn bị WB hạ dự báo tăng trưởng. Theo đó, WB dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tăng 7,1% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 7,5% đưa ra hồi tháng 6. “Nền kinh tế toàn cầu hiện nay giống như một con tàu lớn đang được kéo bởi một đầu máy duy nhất là kinh tế Mỹ”, đó là phát biểu cùa Kaushik Basu, chuyên gia kinh tế trưởng của WB.
Theo WB, trong năm 2015 và 2016, ảnh hưởng tích cực của giá dầu giảm đối với kinh tế toàn cầu có thể sẽ không được như dự báo, vì tâm lý bi quan có thể sẽ khuyến khích người tiêu dùng toàn cầu tiết kiệm hơn là chi tiêu.
Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank dự đoán GDP Mỹ năm nay tăng 3,7%, cao hơn nhiều so với 2,5% đạt được trong năm 2014. Theo các chuyên gia, trong năm 2015, Mỹ sẽ đóng góp 18% vào tăng trưởng toàn cầu, so với chỉ 11% của tất cả các quốc gia công nghiệp gộp lại. "Mỹ lại một lần nữa giữ vai trò là động cơ tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế nước này đang khởi sắc và trong trạng thái tốt nhất từ thập niên 1990", ông Allen Sinai, Giám đốc công ty nghiên cứu Decision Economics nhận xét.
"Nước Mỹ đang lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế. Mỹ cũng là nước có tốc độ phục hồi nhanh nhất" - Chủ tịch chi nhánh quốc tế của JPMorgan Chase Jacob Frenkel cho biết trên Bloomberg./.
Nguyễn Chiến
Theo Chinhphu.vn