Là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về xóa đói giảm nghèo, Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009-2015) của TPHCM đã được điều chỉnh nâng lên theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống (tương đương 2 USD/người/ngày), tiếp cận mức chuẩn nghèo khu vực và thế giới.
Nhờ được vay vốn, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Hạnh không chỉ ổn địnhcuộc sống
mà đã thoát nghèo để vươn lên trở thành hộ khá. Ảnh:VGP/Thanh Thuỷ.
Áp dụng nhiều mô hình
Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết việc áp dụng đồng thời các mô hình giảm nghèo theo từng trường hợp, từng địa bàn cụ thể không chỉ giúp các gia đình thoát nghèo bền vững mà góp phần từng bước rút ngắn lộ trình giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố.
Theo đó, Thành phố luôn kiểm tra, rà soát, phân loại từng nhóm nghèo để có những chính sách, mô hình phù hợp. Với nhóm hộ có thu nhập dưới 4 triệu đồng/người/năm và nhóm hộ có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/năm là nhóm được quan tâm ưu tiên không để tái nghèo; nhóm hộ có thu nhập trên 6-8 triệu đồng/người/năm và nhóm hộ có thu nhập trên 8-10 triệu đồng/người/năm l được tăng cường hỗ trợ để tăng thu nhập; nhóm hộ có thu nhập trên 10-12 triệu đồng/người/năm được tập trung ưu tiên để hỗ trợ vượt chuẩn nghèo.
Với cách làm này, trong giai đoạn 2009-2012, bình quân Thành phố giảm 28.400 hộ nghèo/năm, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,12% và nâng tỷ lệ chuẩn nghèo lên 16 triệu đồng/năm/người vào năm 2015.
Bên cạnh đó, mô hình đầu tư vốn và tạo việc làm cho lao động diện hộ nghèo; mô hình về phương thức tổ chức và quản lý hộ nghèo bằng tổ tự quản giảm nghèo để vừa đại diện cho người nghèo, vừa quản lý trực tiếp hộ nghèo theo danh sách chương trình ở từng tổ dân phố là yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình giảm nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thêm, Phó Ban chuyên trách giảm nghèo, tăng hộ khá quận Tân Bình, TPHCM, cho biết tính đến năm 2012 quận có 1.444 hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi cho 997 hộ vay vốn và hỗ trợ nghề cho 13 lao động xuất khẩu với số tiền lên đến gần 7 tỷ đồng, đến nay quận Tân Bình đã không còn hộ nghèo (thu nhập dưới 16 triệu đồng/năm/hộ).
Cụ thể, chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, 44 tuổi, Phường 8, quận Tân Bình, thuộc hộ nghèo lâu năm. Sau khi được vay 10 triệu đồng vốn từ quỹ giảm nghèo, chị Hạnh đã mở cửa bán tạp hóa, kinh doanh có lãi, ổn định cuộc sống và trả được hết nợ. Trong năm 2015, để mở rộng cơ sở hơn nữa (từ bán lẻ, sang bán sỉ) chị Hạnh đã được tổ tự quản nghèo của Phường 8 đề xuất tăng mức vay lên 20 triệu đồng/năm với lãi suất 0,5%/năm. Giờ đây, không chỉ thoát nghèo mà chị Hạnh hy vọng sẽ phát triển kinh doanh để trở thành hộ khá.
Anh Nguyễn Ngọc Anh Kiệt, Phường 14, quận Tân Bình đã được hỗ trợ vay 80 triệu đồng trong thời gian 3 năm và lãi suất chỉ có 0,5%/năm từ quỹ giảm nghèo của Thành phố để cho con đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ tháng 4/2014. Hiện nay, gia đình anh đã trả được gần 40 triệu đồng và đảm bảo chi phí sinh hoạt cho cả gia đình.
Với số tiền 14-15 triệu đồng/tháng của con trai gửi về, anh Kiệt tin rằng không chỉ trả hết nợ, ổn định cuộc sống gia đình mà sẽ dành được một số vốn nhất định để làm ăn nhằm thoát nghèo vĩnh viễn.
Giảm nghèo đa chiều
Ông Nguyễn Văn Xê cho biết lâu nay phương pháp đo lường nghèo đơn chiều (theo thu nhập) không phản ánh đầy đủ bản chất nghèo nhất là tại những đô thị lớn như TPHCM nơi nhiều hộ dân đã thoát nghèo về thu nhập nhưng còn khó tiếp cận với các điều kiện về y tế, nhà ở, giáo dục. Do đó, so với mức sống chung của người dân Thành phố thì những hộ này vẫn chưa thực sự gọi là thoát nghèo.
Vì vậy, TPHCM sẽ bắt đầu tiếp cận, thử nghiệm đo lường phương pháp giảm nghèo đa chiều tại 4 quận, huyện theo “5 chiều” là y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, điều kiện sống, bảo hiểm và trợ giúp xã hội bắt đầu từ năm 2015 và sẽ nhân rộng ra toàn Thành phố trong giai đoạn từ năm 2016-2020.
Việc áp dụng các chỉ số nghèo đa chiều sẽ cho phép phân chia cụ thể các đối tượng nghèo, các hộ nghèo theo vùng, theo dân tộc… để từ đó tập trung từng mô hình, giải pháp vào các nhóm thiếu hụt một cách chính xác và phù hợp. Đặc biệt, xác định được những người nghèo nhất trong số những hộ nghèo từ các chỉ số, ngưỡng nghèo, giá trị hưởng thụ để có thể quyết định các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Như vậy, cùng những kết quả đã đạt được trong quá trình giảm nghèo hơn 22 năm qua, phương pháp giảm nghèo đa chiều sẽ từng bước thúc đẩy công cuộc giảm nghèo của Thành phố hoàn thành mục tiêu đề ra, năm 2020, TPHCM sẽ không còn hộ nghèo, ông Nguyễn Văn Xê nhấn mạnh.
Thanh Thủ
Theo Chinhphu.vn