Trần Văn Sơn ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà nói: “Giây phút giao thừa tại Hoàng Sa là giây phút thiêng liêng và khó quên nhất”.
Hơn 40 năm về trước, nhiều người con thành phố Đà Nẵng đã từng làm việc và ăn Tết trên quần đảo Hoàng Sa. Thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa nơi đảo xa ngày ấy vẫn âm thầm vỗ sóng trong lòng họ mỗi độ xuân về.
Trên quần đảo này, nhiều người đã có một thời gian dài “cưỡi sóng, đạp gió” cùng với tuổi thanh xuân của mình. Và cứ mỗi khi Tết đến, họ lại nôn nao nỗi nhớ Hoàng Sa.
Xuân Ất Mùi, ông Võ Như Dân bước sang tuổi 78. Ông Dân là nhân viên khí tượng tại Hoàng Sa theo chế độ luân phiên 3 tháng/1 lần từ năm 1956 đến 1969. Trong 13 lần ra Hoàng Sa công tác, ông đã có 6 lần đón giao thừa nơi vùng biển đảo thiêng liêng này. Dẫu không còn minh mẫn khi nhớ về những tháng ngày như con cá kình vượt sóng ra Hoàng Sa nhưng khi nhắc đến phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, ông lại thấy xốn xang lòng mình.
Trong căn nhà cũ nằm sâu trên con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, ông Dân chậm rãi kể chuyện ngày trước. Tiếng ông rì rầm, âm vọng như những đợt sóng biển vỗ bờ. Lần đầu tiên ông ra Hoàng Sa làm việc lúc tuổi chớm đôi mươi. Gần nửa thế kỷ ông cách xa nơi này nhưng biết bao kỷ niệm “ăn sóng, ngủ gió”, đón giao thừa tại Hoàng Sa cùng đồng nghiệp vẫn luôn ẩn hiện vơi đầy. Ông Võ Như Dân nhớ lại, những đêm giao thừa nơi đảo xa thật bình yên, đầm ấm như chính trong ngôi nhà, sân vườn, ao cá của mình.
Ông nói: “Ăn tết ngoài đó mình ăn cá với ốc không, ra lặn biển. Ngày mùng 1 lì xì, tết chơi bời tí thôi, giờ làm việc về làm việc, nấu ăn. Tết mùng 1 thấy mặt nhau như thế là tốt rồi. Điều vui nhất là đi bắt cá, bắt ốc”.
Ông Dân hay nhắc nhở con cháu rằng, biển trời Hoàng Sa đẹp lắm, cá tôm dồi dào và linh thiêng lắm. Nơi đó có những ngôi miếu dựng thờ các bậc tiền nhân đã vượt sóng gió ra cắm mốc chủ quyền; để ngày rằm, mùng một, lễ tết, ông và đồng nghiệp nấu những bữa cơm đạm bạc cùng dâng lên những nén tâm nhang cầu mong đất nước trường tồn…
Nói về những cái tết đơn sơ, ấm áp tình người nơi đảo xa, ông Dân luôn miệng nhắc đến những nhân chứng lịch sử. Đó là những người từng thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa hiện sống tại thành phố Đà Nẵng như ông Trần Văn Sơn ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà.
Ông Sơn kể, ông đã từng đón chào năm mới Giáp Dần - 1974 tại Hoàng Sa. Đó là đêm giao thừa linh thiêng nhất mà ông từng cảm nhận dù pháo hoa giữa biển khơi là những cánh chim Hải âu sải cánh chao lượn như chim én báo tin xuân, là những đợt sóng bạc đầu như những giàn hoa trắng tinh khôi nở rộ khi mùa xuân về giữa đại dương xanh thẫm…
Hơn 40 mùa xuân trôi qua, ông Sơn vẫn không dám tin đó là cái tết cuối cùng của người Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa mà cha anh đổ nhiều xương máu gìn giữ. Bởi từ mùa xuân ấy, quần đảo thiêng liêng của dân tộc Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm.
Ông Trần Văn Sơn lặng người, hướng ánh mắt ra mặt biển xanh trong nơi vịnh Sơn Trà, điểm xuất phát của mấy chục năm về trước ông thẳng tiến ra Hoàng Sa, rưng rưng: “Thật ra ăn tết ở nhà với con cháu vui và đầm ấm hơn ở Hoàng Sa nhưng giây phút giao thừa tại Hoàng Sa luôn là giây phút thiêng liêng và khó quên nhất. Để bây giờ, mỗi khi đón giao thừa tại đất liền lại nhớ giao thừa tại Hoàng Sa”.
Nước biển Hoàng Sa vẫn xanh thẫm như những mạch máu đỏ chảy trong huyết quản ông Dân, ông Sơn... Vậy nên, mỗi khi có ai nhắc đến Hoàng Sa, trong họ nỗi nhớ lại cuộn chảy, dâng trào. Tuổi cao, sức yếu nhưng mỗi lần Uỷ ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt nhân chứng, dù có đau ốm các ông cũng đi, chỉ để được nghe hai tiếng Hoàng Sa.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã từng cúi đầu trước nhân dân, nghẹn ngào nói lên lời xin lỗi rằng, ông chưa làm được gì nhiều cho Hoàng Sa thân yêu. Ông đã từng rơi những giọt nước mắt mặn chát như nước biển mỗi khi gặp lại các nhân chứng từng sống tại Hoàng Sa, được nghe họ nói về Hoàng Sa. Ông bảo, có những người từng công tác tại Hoàng Sa bây giờ không được ra lại nơi đó đã gửi gắm nỗi nhớ, niềm thương khi đặt tên cho con của mình như: Nguyễn Hoàng Sa, Trịnh Thị Hoàng Sa. Có người đem về kỷ vật là một con ốc để mỗi khi nhớ vùng biển đảo ấy lại áp tai vào, nghe âm thanh biển khơi mà mường tượng ra biển Hoàng Sa trước mặt, gần gũi và thân thương…
Ông Đặng Công Ngữ nay đã về hưu vẫn đau đáu nỗi nhớ Hoàng Sa: “Khi được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của huyện Hoàng Sa, đây là một ý nghĩa càng vô vùng to lớn, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Qua nhiệm vụ của mình đã hoàn thành nhưng mà trong lòng vẫn còn trĩu nặng đối với Hoàng Sa. Việc giao cho mình nhưng vẫn chưa làm được nhiều để đóng góp thật nhiều, như thế này mình thấy công việc cũng còn đương dang dở…”.
Một mùa xuân nữa đã về. Đất nước lại đón thêm những dự cảm an lành với biết bao niềm vui, hy vọng mới về hòa bình, thịnh vượng. Những ký ức Hoàng Sa của các nhân chứng lịch sử như còn tươi nguyên đang gánh trên mình sứ mệnh “truyền lửa” cho các thế hệ sau, để Hoàng Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc dù ở xa nhưng lại rất gần trong tâm trí, cõi lòng của mỗi người dân nước Việt. Hoàng Sa, xa mà gần trong trái tim mọi người./.
Theo PV & CTV/VOV.VN