Cập nhật: 03/03/2015 09:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ tại khu vực xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, đã có hàng chục điểm bị sạt lở rừng phòng hộ.

Rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công, Tiền Giang ngày càng mỏng dần

Tỉnh Tiền Giang có diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công khoảng 700 ha, chủ yếu là cây đước, bần, mấm... Đây là tấm lá chắn quan trọng trong việc bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão, bảo vệ sản xuất và đời sống của hàng chục ngàn hộ dân sống khu vực ven biển.

Tuy nhiên, gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho diện tích rừng bị chết hay xói lở thu hẹp dần. Tuyến đê biển dài hơn 20km từ xã Tân Thành đến xã Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) có nhiều điểm xung yếu không còn diện tích rừng, nước biển lấn vào đến chân đê. Hiện tại có nhiều khu vực cây rừng tiếp tục bị sạt lở, khô lá chết.

Theo Hạt Quản lý đê điều và rừng phòng hộ tỉnh Tiền Giang, chỉ tại khu vực xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, đã có hàng chục điểm bị sạt lở rừng phòng hộ. Nơi nhiều nhất mất 10m và nơi ít nhất cũng mất 4-5m độ dày đai rừng.

Trước tình hình rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị biển xâm thực, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tích cực truyền về công tác trồng rừng và bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý những hành vi xâm hại rừng, xâm hại đê biển; đầu tư kinh phí hàng trăm tỉ đồng để làm kè mái đê bằng giải pháp “bêtông tự chèn”... để bảo vệ đoạn đê xung yếu dài trên 3.500m đã bị mất trắng đai rừng phòng hộ.

Riêng biện pháp để trồng rừng, tái tạo lại diện tích rừng đã bị nước biển xâm thực, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn mà khả năng của tỉnh chưa đáp ứng. Nếu không có giải pháp khả thi thì vài chục năm sau, diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang có nguy cơ “xóa sổ”./.

Theo Nhật Trường/VOV.VN

Tệp đính kèm