Cập nhật: 07/03/2015 10:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn 150 đại biểu quốc tế (đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới) cùng với hàng trăm nhà thơ, nhà văn Việt Nam đã hòa cùng không khí rộn rã của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13-Xuân Ất Mùi.

 

Mặc dù trời mưa phùn nhưng Ngày thơ Việt Nam 2015 vẫn thu hút đông đảo công chúng tham gia. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Chương trình diễn ra sáng (5/3) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) với chủ đề “Hướng về biển đảo” trong cảm thức thiêng liêng về Tổ quốc.

Cơn mưa phùn không dứt suốt buổi sáng đã không thể cản bước người yêu thơ. Sân Văn Miếu vẫn chật kín người tham dự. “Cả năm mới có một ngày, mưa gió thế này có là gì!” nhà thơ Trần Nhương vui vẻ nói.

Một không gian thơ trang trọng, được mở ra với sắc thắm của lụa, sắc xanh của lá và tiếng trống hội rộn rã… “Tổ quốc là tiếng mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người…” Người trẩy hội bỗng lặng đi cùng âm điệu da diết của bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến qua sự thể hiện của chính tác giả.

 

Ngày thơ Việt Nam Xuân Ất Mùi diễn ra với chủ đề "Hướng về biển đảo." (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Văn Miếu-Quốc Tử Giám không còn song hành sân thơ trẻ và sân thơ truyền thống như những năm trước. Thay vào đó là sân thơ trăm miền và sân thơ vòng tay bạn bè - nơi các nhà thơ Việt Nam và thế giới cùng ngâm thơ, sẻ chia niềm vui và kiếm tìm sự đồng điệu trong tâm hồn.

Ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đây là một trong những điểm mới, đáng chú ý nhất của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Qua đây, các tác giả Việt Nam có dịp giao lưu, giới thiệu những sáng tác của mình tới bạn bè quốc tế. Khoảng 30 nhà thơ Việt Nam và quốc tế đã trực tiếp trình bày những sáng tác tâm đắc nhất của mình.

“Trải qua hành trình 13 năm, từ những thể nghiệm đơn giản ban đầuđến nay, ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa tao nhã, thu hút đông đảo các nhà thơ nhiều thế hệ và công chúng yêu thơ cả nước,” ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

 

Ngày thơ Việt Nam - điểm hẹn của người yêu thơ. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Thiều cũng cho biết thêm: Cùng thời điểm khai mạc ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 vang lên tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tiếng trống khai hội thơ Xuân Ất Mùi cũng đồng thời vang lên tại 100 địa điểm văn hóa trên cả nước.

“Tôi thực sự ấn tượng về ngày hội thơ đặc biệt của Việt Nam, không chỉ có những văn nghệ sỹ mà rất đông công chúng tham dự với sự hào hứng, nụ cười rạng rỡ thường trực trên khuôn mặt. Điều đó chứng tỏ, ở Việt Nam, thơ ca vẫn luôn được yêu mến, quý trọng,” ông Luginov Nikolai Alekseevich - đồng Chủ tịch Hội Nhà văn Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị khách quốc tế này cũng cho biết, đây là dịp quan trọng để ông tìm hiểu về văn học Việt Nam. “Muốn dịch, giới thiệu và quảng bá sáng tác của các nhà văn Việt Nam thì chúng tôi phải có sự hiểu biết về nền văn học của đất nước các bạn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần nhận được sự định hướng, giới thiệu trực tiếp từ phía những người sáng tác, dịch thuật ở Việt Nam,” Chủ tịch Hội Nhà văn Nga bày tỏ.

 

Góc thư pháp tại Ngày thơ Việt Nam 2015. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Cùng với hai sân thơ chính, Ngày thơ Việt Nam 2015 còn có nhiều hoạt động bên lề khác như: Triển lãm giao lưu văn học quốc tế, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; Không gian trưng bày và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; Khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ đến từ tám địa phương, sáu trường đại học trên địa bàn Hà Nội…

Ngày thơ Việt Nam 2015 là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá văn học Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (kéo dài từ ngày 1-7/3 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh).

 

Đoàn nghệ thuật Nam Định giới thiệu nghệ thuật hát văn tại Ngày thơ Việt Nam 2015. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Theo An Ngọc (Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/ngay-tho-viet-nam-2015-noi-dai-cam-thuc-ve-bien-dao-to-quoc/310478.vnp

Tệp đính kèm