Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn từ 2010-2013, số ca tử vong vì sốt rét trên quy mô toàn cầu giảm tới 47%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong giai đoạn từ 2010-2013, số ca tử vong vì sốt rét trên quy mô toàn cầu giảm tới 47%. Sở dĩ có được thành tựu này là do nỗ lực của y tế, kết hợp nhiều loại thuốc như chloroquine và doxycycline, diệt muỗi, dùng mùng màn, kết hợp tuyên truyền sâu rộng, tìm kiếm các loại vắc-xin mới, tuy nhiên hiện tượng kháng thuốc sốt rét hiện vẫn là vấn đề nan giải nhất hiện nay.
Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences của Mỹ số cuối tháng 2/2015 đã công bố nghiên cứu của Bệnh viện nhi St. Jude, Mỹ (SCRH) tìm ra thế hệ thuốc có khả năng chống kháng thuốc có tên SJ733.
Bệnh sốt rét gây nên bởi lây nhiễm của 5 loài đơn bào ký sinh trùng thuộc chi Plasmodium. Sau khi ký sinh trùng lây nhiễm một tế bào máu đỏ, nó di chuyển đến gan, sinh sôi và nhiễm sang các tế bào máu mới. Các ký sinh trùng mới ra đời tiếp tục chu kỳ lây nhiễm tiếp theo. SJ733 nhắm vào một protein mà ký sinh trùng sử dụng, có tên là ATP4 để cân bằng natri cho các tế bào máu đỏ bên trong. Một khi SJ733 phong bế được hoạt hóa natri của ATP4, nó sẽ làm cho các tế bào máu đỏ giống như một tế bào lão hóa và dẫn đến tổn thương. Cũng trong thời điểm này, hệ thống miễn dịch cơ thể nhận biết và tấn công để khử tế bào đã bị nhiễm cùng với ký sinh trùng đi kèm trước khi nó sinh sôi nảy nở. Nói cách khác, đây là công việc quan trọng nhất của hệ miễn dịch nhằm loại bỏ các tế bào tổn thương trước khi chúng ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác.
Qua thử nghiệm trên chuột bị sốt rét cho thấy, một liều SJ733 có thể giảm được tới 80% ký sinh trùng trong vòng 48 giờ mà không gây bất kỳ phản ứng phụ nào đối với các tế bào khỏe mạnh kề cạnh. Đặc biệt, tốc độ hoạt hóa nhanh nên hạn chế tối đa hiện tượng kháng thuốc thường thấy ở các loại thuốc sốt rét truyền thống. Tương lai sẽ có hai loại thuốc sốt rét mới có khả năng chống kháng thuốc là NITD246 và SJ733.
Khắc Nam
Theo suckhoedoisong.vn