Đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc miền núi khó khăn cần điều phối nguồn lực có trọng tâm, hiệu quả nếu không sẽ là “muối bỏ bể”.
Những cây cầu nối nhịp bờ vui ở Mường Nhé (Điện Biên) - Ảnh: Báo Tin tức
Chương trình 135 cùng với các chương trình, chính sách khác đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi nói chung. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Qua phần đăng đàn trả lời chất vấn lần đầu tiên của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử 13/3 vừa qua, những khó khăn và bất cập khi thực hiện các chương trình, dự án đã được chỉ rõ. Song, điều mà đại biểu Quốc hội cũng như cử tri mong muốn là giải pháp đột phá nào để những chính sách, chương trình đang và sẽ có trong tương lai Đúng - Trúng - Hiệu quả hơn để vùng đồng bào dân tộc thay đổi và phát triển một cách bền vững, nhanh rút ngắn khoảng cách với miền xuôi, có vẻ chưa “sáng”. Bởi, chung quy cũng phải chờ nguồn lực.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2015, tổng vốn bố trí cho Chương trình 135 đạt hơn 15.581 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương 15.213 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương là 368 tỷ đồng. Nếu cộng cả phần của các nhà tài trợ quốc tế cho trương trình này (khoảng 38,3 triệu euro, tương đương 1.140 tỷ đồng), thì tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn trên là 16.721 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến vốn trái phiếu chính phủ cho kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên cũng vài ngàn tỷ đầu tư cho các vùng khó khăn, sâu xa nhất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ 2013, bên cạnh Chương 135, các địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số còn nhận thêm hỗ trợ từ chương trình như 30a, Nông thôn mới, hỗ trợ các xã dọc tuyến biên giới, các xã ATK. Bình quân mỗi xã khoảng 4 tỷ đồng/năm để đầu tư cơ sở hạ tầng, chủ yếu là điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi…
Những con số đầu tư đối với một Chương trình như trên không thể nói là ít và thực tế hiệu quả thiết thực của Chương trình đã thể hiện rõ, nhân dân được thụ hưởng và các nhà tài trợ quốc tế đánh giá cao. Điều cần nói ở đây là cũng với nguồn lực đầu tư trên, cộng với rất nhiều chính sách, chương trình khác, nếu có sự điều phối và trọng tâm, diện mạo vùng dân tộc khó khăn thay đổi nhiều hơn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao hơn.
Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như số liệu từ lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư có thể thấy, các chương trình, dự án chỉ đạt từ 40-60% mục tiêu đề ra ban đầu. Theo Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, còn đó những bất cập, bức xúc không đáng có, thậm chí đau lòng. Đó là đến nay vẫn còn nhiều vùng, nhiều tỉnh có những cây cầu treo hư hỏng, xuống cấp, cũ kỹ, thậm chí gãy đổ. Nhiều nơi còn chưa có cầu, dân phải đu dây qua sông, qua suối.
Về nguyên nhân, bên cạnh việc khó cân đối nguồn lực do khó khăn chung của nền kinh tế trong một số giai đoạn, chính việc có nhiều chương trình chồng chéo dẫn đến nguồn lực đầu tư phân tán, dàn trải và đương nhiên hiệu quả không được như yêu cầu, thậm chí lãng phí.
Ở một góc độ khác, công tác tham mưu, xây dựng nhiều chính sách, chương trình rõ ràng là chưa sát. Nhiều chương trình được xây dựng trên cơ sở nhu cầu, mong muốn nên đưa ra mục tiêu rất tham vọng trong khi khả năng cân đối nguồn lực không đáp ứng được.
Một điều cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là chính sách được xây dựng vẫn mang tính chất nhiệm kỳ, chưa có hệ thống một cách trung hạn, dài hạn dẫn đến thực tế thời gian được thụ hưởng chính sách của đồng bào chỉ 1-1,5 năm.
Một câu hỏi quen thuộc lại được đặt ra: Đâu là giải pháp đột phá? Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử điều này…thuộc thẩm quyền Quốc hội tăng hay giảm tiền đầu tư!
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trong xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, khi đưa ra các mục tiêu phải căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực để sát hơn.
Cho rằng cần thiết lồng ghép các chương trình trong quá trình thực hiện, theo Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương: “Khi nguồn lực hạn chế thì phải đầu tư tập trung, tránh dàn trải và đầu tư nội dung nào thì dứt điểm nội dung đó, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Nguồn vốn đầu tư phải sử dụng đúng mục đích, hiệu quả thì mới đảm bảo được”.
Nói cách khác, để các chương trình, chính sách thực sự mang lại hiệu quả cao, không chỉ cần có nguồn lực mà còn phải biết tập trung, điều phối nguồn lực trong từng giai đoạn cho hợp lý. Giải pháp đột phá không hẳn chỉ có tiền!./.
Theo Hiếu Minh/VOV.VN