Liên quan đến đề xuất hình sự hoá hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước ủng hộ phải xử lý thật nghiêm vì đây là hành vi phá hoại tài sản quốc gia.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm soát tải trọng xe. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến trái chiều từ phía đại diện Hiệp hội Vận tải và doanh nghiệp thì cho rằng đề nghị xử lý hình sự hóa này là quá nặng mà chỉ nên tăng nặng mức xử phạt vi phạm, có thể xử lý ở mức cao nhất nếu cố tình tái phạm để có tính răn đe và giáo dục nhận thức.
Chở quá tải là phá hoại tài sản quốc gia
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng, nhiều xe chở quá tải 100-200% tải trọng cho phép.
“Việc triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe của một số tỉnh thành chưa quyết liệt, còn mang tính hình thức và chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với xe quá tải vượt trạm.Ý thức của các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém, chạy theo lợi nhuận, thậm chí khoán khối lượng vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm,” ông Huyện đánh giá.
Khẳng định chở quá tải trên 150% sẽ phá vỡ kết cấu đường bởi đường sá là tài sản quốc gia, là tiền của nhân dân nên đây sẽ quy là hành vi phá hoại tài sản, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh, Tổng cục chỉ đề xuất hình sự hóa đối với hành vi cố tình tái phạm chứ không phải vi phạm lần đầu.
“Trong thời gian qua, việc nâng mức phạt, hạ tải, cắt thùng xe hay tịch thu giấy phép lái xe dù kết quả thu được khả quan nhưng chưa triệt để. Trong khi đó, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đang vướng nhiều cơ sở pháp lý, khó thực thi,” ông Huyện nhìn nhận.
Ủng hộ quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về kiến nghị xử lý hình sự chở hàng quá tải trọng, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng phân tích, hiện các giải pháp mà Bộ GTVT cũng như các Bộ, ngành liên quan đưa ra để xử lý xe quá tải đã khá mạnh, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ doanh nghiệp và lực lượng thực thi cố tình vi phạm.
“Về lâu dài, các giải pháp ‘siết’ tải trọng nghiêm minh giúp các doanh nghiệp vận tải phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, góp phần đưa thị trường cước vận tải hàng hóa về đúng giá trị thực,” ông Tiến bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng băn khoăn việc xử lý cần đúng người đúng tội và không chỉ xử phạt lái xe mà xem xét cả trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, người sử dụng dịch vụ vận tải, người xếp hàng…
Lấy ý kiến Bộ, ngành và người dân
Là doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Bắc-Nam cũng không đồng tình việc chuyển từ xử lý vi phạm chở quá tải trọng sang xử lý hình sự.
“Chuyển sang xử lý hình sự thì quá nặng với lái xe trong khi đó hành vi chở hàng quá tải trọng không phụ thuộc nhiều vào lái xe mà còn phụ thuộc vào người xếp hàng, chủ hàng…,” ông Việt Anh đưa ra chính kiến.
Với tư cách đại diện tiếng nói cho doanh nghiệp vận tải, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, kiến nghị hình sự hóa hành vi chở hàng quá tải của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là mong muốn chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trong năm 2015 như ý chí của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra.
“Mong muốn của Tổng cục Đường bộ cũng phù hợp với mong muốn của nhân dân vì không ai muốn đồng tiền mình bỏ ra làm một con đường bị xe quá tải phá hoại, song chúng ta phải tuân thủ theo pháp luật. Nếu bất kỳ hành vi vi phạm không ngăn chặn được cũng chuyển sang hình sự thì vô tình làm tăng gánh nặng cho cơ quan thực thi pháp luật. Vì xử lý hình sự cần phải lập án, lập hồ sơ, điều tra….,” ông Liên cho hay.
Bởi vây, ông Liên đưa ra quan điểm, xe quá tải phá hoại công trình giao thông thì nên tăng nặng mức xử phạt vi phạm, có thể xử lý ở mức cao nhất nếu cố tình tái phạm để có tính răn đe và giáo dục nhận thức.
“Cơ quan Nhà nước nên áp dụng hình thức xử phạt nặng, xử phạt lũy tiến theo lượng hàng quá tải và theo số kilomet mà xe đó đã lưu thông như một xe chở hàng quá tải trọng chạy từ Thành phố Hồ Chí Minhra Đồng Nai bị xử phạt 1 triệu đồng, nhưng nếu xe này đã chở hàng ra đến Hà Nội thì mức phạt phải tăng lên gấp 5 hay 10 lần,” lãnh đạo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Dưới góc độ cơ quan giúp cho Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp các Bộ, ngành và các địa phương về vấn đề an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, xe chở hàng quá tải, uy hiếp trực tiếp đến các công trình có giá trị hàng nghìn tỷ đồng và đặc biệt là ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng. Đây là hành vi phá hoại và hành vi uy hiếp đến kinh tế quốc gia thì việc đề nghị xử lý hình sự là hợp lý.
“Việc xử phạt phải đưa ra một lời cảnh báo có sức mạnh để người dân không vi phạm để bị phạt. Nếu người dân đã quan tâm đến việc xử phạt nặng như vậy thì họ sẽ không vi phạm,” ông Khuất Việt Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng cũng nhìn nhận, đây là kiến nghị của cơ quan quản lý Nhà nước để ngăn ngừa, răn đe phá hoại đến kết cấu đường bộ. Khi tiếp nhận đề xuất này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để xin ý kiến các Bộ Tư pháp, Công an… và đặc biệt là ý kiến của người dân.
“Quy định pháp luật không dành cho các chuyên gia mà là cho người dân. Do vậy là phải tạo được dư luận, kể cả ủng hộ và không ủng hộ để cơ quan quản lý Nhà nước nghe và nhìn để bổ sung các vấn đề cần thiết, nhất là lợi ích và quyền lợi hợp pháp của người dân. Quy định của pháp luật đưa ra những quan điểm rất sắc bén về pháp lý để bảo vệ người dân, nhưng cũng cần phải tuyên truyền để người dân hiểu được điều này. Do vậy, phải xin ý kiến chuyên gia và người dân vì đã là dự thảo là rất gần với việc phát hành,” vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh./.
VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/xu-ly-hinh-su-cho-qua-tai-muc-phat-du-nghiem-hay-la-qua-nang/314300.vnp