Cập nhật: 30/03/2015 09:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc giải phóng các đảo và quần đảo trên Biển Đông có ý nghĩa rất lớn bởi đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu

Đại tá Trần Ngọc Long (Viện Lịch sử Quân sự) đã khẳng định như vậy về “tầm nhìn biển” của Đảng và quân đội ta trong quá trình chỉ đạo các chiến dịch giải phóng miền Nam cách đây 40 năm.

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, theo đề xuất của Bộ Tổng tham mưu, Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị về việc giải phóng Trường Sa. Ngày 25/3/1975, kiến nghị này của Quân ủy Trung ương được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị.

Vào thời gian này, đồng chí Hoàng Trà - Chính ủy Quân chủng Hải quân được điều động về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu, giúp theo dõi tình hình địch trên biển và đề xuất nhiệm vụ của hải quân trong các đòn tiến công chiến lược cuối cùng. Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu quyết định điều Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh Hải quân di chuyển vào Đà Nẵng vừa tiếp quản căn cứ hải quân của quân đội Sài Gòn, vừa chuẩn bị cho nhiệm vụ tác chiến giải phóng khu vực biển đảo.

Ngày 30/3/1975, Quân ủy Trung ương điện gửi các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Chí Công, trong đó chỉ rõ: Theo chỉ thị của Bộ chính trị, Thường vụ giao cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhiệm vụ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo hiện do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu tháng 4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân một mặt sử dụng Đoàn 125 vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến trường Nam Bộ; mặt khác, khẩn trương tổ chức lực lượng sẵn sàng tiến công giải phóng các đảo khi thời cơ đến.

Ngày 4/4/1975, trong lúc quân ta trên các mũi, các hướng dồn dập tiến công địch trên các mặt trận, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh: “Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng đặc công của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa - một quần đảo có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng đất nước”.

Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc đánh chiếm Trường Sa là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta, như chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh đã xác định.

Lực lượng đánh chiếm quần đảo Trường Sa gồm Đội 1 - Đoàn 126 đặc công từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 - Quân khu 5. Các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng, có nhiệm vụ chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Những con tàu “không số” này đã từng qua lại khu vực quần đảo Trường Sa, quen đường, có kinh nghiệm tránh đá ngầm.

Theo phương án tác chiến, mục tiêu tiến công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa và phương châm tác chiến là: Bí mật, bất ngờ tiến công. Thời cơ đánh chiếm đảo được xác định là từ 0 đến 2 giờ sáng là lúc ta có thể lợi dụng yếu tố thủy văn để bí mật đổ quân lên đảo.

Ngày 9/4/1975, mệnh lệnh tiến đánh Song Tử Tây được truyền xuống các đơn vị tham gia đánh chiếm đảo.

Ngay ngày hôm sau (ngày 10/4), phân đội tàu gồm 3 chiếc của Đoàn 125 cấp tốc hành quân vào Đà Nẵng.

Cùng thời gian này, Đội 1 Đoàn 126 đang làm nhiệm vụ bảo vệ một số căn cứ ở bán đảo Sơn Trà cũng được lệnh bàn giao cho Quân khu 5 để cùng bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 417 Quân khu 5 rời quân cảng Đà Nẵng, hành quân ra đảo. Mặc dù Song Tử Tây ở giữa biển Đông cách xa Đà Nẵng tới 800 km nhưng các con tàu của Đoàn 125 đã đưa lực lượng đổ bộ tới đúng mục tiêu, đúng thời gian quy định.

19 giờ ngày 13/4, tàu 673 đã tiếp cận đảo. Hai tàu 674, 675 vòng ra án ngữ ở bắc và nam đảo Song Tử Tây. Rạng sáng ngày 14/4, các phân đội bí mật đổ bộ lên đảo theo 3 mũi.

3 giờ sáng ngày 14/4, các mũi bí mật áp sát mục tiêu. 4 giờ 30 phút, trận đánh bắt đầu. Sau phát đạn ĐKZ của mũi 1 làm hiệu lệnh tiến công, các mũi đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch lúng túng chống trả yếu ớt. Bộ đội ta nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa sau 30 phút. Ngay sau đó, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được treo lên cột cờ ở phía Đông của đảo.

Mất đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ của địch ở quần đảo Trường Sa bị de dọa. Địch vội điều hai tàu HQ 16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra định phản kích hòng chiếm lại đảo. Song, trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao của ta. Mặt khác, lúc này, trên chiến trường, ta đã giành được thắng lợi giòn giã, tuyến phòng thủ Phan Rang của địch bị vỡ, quân địch hoang mang, không dám tổ chức tiến công. Chúng đành quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết - nơi đặt Sở chỉ huy trung tâm của chúng ở quần đảo Trường Sa.

Sau trận đánh đảo Song Tử Tây, ta để lại một bộ phận chốt giữ đảo. Lực lượng còn lại quay về Đà Nẵng củng cố và chuẩn bị đánh tiếp các đảo khi có thời cơ. Thời gian này, hải quân ngụy vẫn tiếp tế và yểm trợ cho các đảo, song bị thất bại nặng và phải đối phó ở khắp nơi nên sự chi viện, tiếp tế bị hạn chế; nhất là đảo Song Tử Tây bị ta đánh chiếm nên tinh thần binh lính và sĩ quan địch trên các đảo rất hoang mang, dao động. Đây là thời cơ thuận lợi để ta tiến công giải phóng các đảo còn lại.

Tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng đã làm việc và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thống nhất kế hoạch đánh chiếm các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa. Theo đó, ta sử dụng hai tàu 673 và 641 của Đoàn 125 chở Phân đội 2 và 3 của Đội 1 (Đoàn 126) và một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 đi giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn; đánh đồng loạt các mục tiêu này trong cùng một đêm.

4 giờ sáng ngày 21/4, các tàu nhổ neo hướng ra Trường Sa. Chiều 24/4, tàu ta đã tiến sát mục tiêu. Chờ tới đêm, tàu 673 định đổ quân lên đảo Nam Yết thì gặp tàu khu trục của địch hoạt động gần đó đang tuần tiễu. Ta buộc phải đưa lực lượng đổ bộ về Song Tử Tây chờ thời cơ. Cùng thời điểm này, tàu 641 áp sát đảo Sơn Ca chuẩn bị đổ bộ lên đảo, song do ngược dòng, nước chảy xiết nên cuộc đổ bộ không thành. Tàu 641 phải di chuyển lên thướng tây bắc chọn vị trí đổ bộ thuận lợi hơn.

0 giờ 30 phút ngày 25/4, lực lượng đổ bộ lên được đảo Sơn Ca. Sau khi trinh sát nắm chắc mục tiêu, đúng 2 giờ 30 phút ngày 25/4, trận đánh đảo Sơn Ca bắt đầu. Các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng.

Địch hoàn toàn bất ngờ, chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy tán loạn. Trận đánh kết thúc nhanh chóng sau nửa giờ chiến đấu. 3 giờ sáng, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca.

Mất tiếp đảo Sơn Ca, địch ở quần đảo Trường Sa càng hoang mang. Từ trưa ngày 26/4, chúng đưa các tàu tuần dương, khu trục lùng sục quanh đảo, song không làm được gì đành quay về Nam Yết.

20 giờ 15 phút ngày 26/4, đài trinh sát kỹ thuật của ta bắt được điện của chỉ huy địch lệnh rút quân khỏi Nam Yết. 2 giờ 45 phút ngày 26/4, Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân lệnh cho tàu 673 lập tức đưa Phân đội 3 và tổ đặc công Quân khu 5 lên chiếm đảo, quyết không để lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội này chiếm đảo.

Chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng Hải quân, 1 giờ 30 phút ngày 27/4, tàu 673 rời Sơn Ca hướng về Nam Yết. 10 giờ 30 phút cùng ngày, tàu ta đã vào gần đảo Nam Yết. Phát hiện lực lượng ta, các tàu địch chở quân rút khỏi đảo vội vàng tháo chạy. Ta nhanh chóng đổ bộ chiếm lĩnh đảo. 11 giờ 30 phút ngày 27/4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết.

Nam Yết - nơi đặt Sở chỉ huy toàn bộ quần đảo Trường Sa bị mất, địch ở các đảo còn lại hoang mang cực độ, tìm cách thoát thân. Sau khi chiếm đảo Nam Yết, tàu 673 tiếp tục đưa một bộ phận Đội 1 đi đánh đảo Sinh Tồn thì địch ở đây đã rút chạy hết. 10 giờ 30 phút ngày 28/4, ta làm chủ đảo Sinh Tồn.

Phát huy khí thế tiến công thần tốc, táo bạo của quân và dân ta trên các chiến trường nói chung ở vùng biển đảo nói riêng, 16 giờ ngày 28/4, bộ đội ta tiếp tục hành quân giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía nam của quần đảo. 9 giờ ngày 29/4, lực lượng ta đổ bộ lên đảo.

9 giờ 30 phút ngày 29/4, ta làm chủ đảo Trường Sa, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân là giải phóng quần đảo Trường Sa thân yêu. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phương Liên

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm