Cập nhật: 03/04/2015 10:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trái với không khí lạc quan của phương Tây, Nga và Iran về thỏa thuận khung vừa đạt được, Israel lại không mấy vui mừng trước tin này.

Người dân Iran đổ ra đường ăn mừng thỏa thuận khung vừa đạt được

giữa Iran và P5+1. (Ảnh AP)

Theo AP, mới đây, Iran và nhóm P5+1 tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận khung về việc giới hạn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran để ngăn nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngay sau khi thỏa thuận khung này được đưa ra, đã có rất nhiều tuyên bố của các chính khách được đưa ra, trong đó hầu hết tin tưởng vào khả năng đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 6 tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, nếu việc đạt được thỏa thuận khung lần này có thể dẫn tới việc hoàn tất một thỏa thuận cuối cùng, Mỹ, các đồng của Mỹ và các nước khác có thể sống trong một thế giới an toàn hơn. Đây là một thỏa thuận rất tốt và có thể đáp ứng được những mục tiêu cốt lõi của chúng ta”.

Tuy nhiên, ông John Kerry cũng thận trọng tuyên bố: “Chúng tôi không có ảo tưởng gì về việc chúng tôi còn phải tiếp tục vượt qua một chặng đường dài trước mặt. Chúng tôi còn phải giải quyết rất nhiều chi tiết kỹ thuật liên quan đến cuộc đàm phán này”.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cũng cho rằng: “Một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể khiến thế giới trở nên ngày càng mất an toàn và an ninh. Chính vì thế, cái giá phải trả cho việc theo đuổi một thỏa thuận với Iran để phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ là rất lớn”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nhấn mạnh: “Quốc hội Mỹ cần phải được xem xét chi tiết mọi điều khoản về thỏa thuận hạt nhân với Iran trước khi chúng ta dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với nước này. Sẽ thật là ngây thơ khi nghĩ rằng chính thể tại Iran lại từ bỏ việc phát triển chương trình hạt nhân của mình để tiếp tục gây bất ổn trong khu vực”.

Trong khi đó Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình và sẽ mãi chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni đều coi đây là một bước đột phá cực kỳ quan trọng.

“Chúng tôi đã tiến gần đến một thỏa thuận cuối cùng để khiến Iran không thể tiếp tục việc phát triển vũ khí hạt nhân hơn bao giờ hết. Đây là một kết quả tuyệt vời cho tất cả các bên tham gia đàm phán”, bà Merkel nhấn mạnh.

“Điều này vượt quá cả những gì mà chúng tôi tin mình có thể thực hiện được trong suốt 18 tháng qua và là một nền tảng tốt đẹp để chúng tôi có thể tiến đến một thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn có rất nhiều việc phải làm”, ông Hammond nói.

“Chúng tôi tin rằng, thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực với Iran và các bên tham gia đàm phán để có thể giải quyết những vấn đề khác”, ông Gentiloni nói thêm.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Điều này cho thấy, mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu, mọi cuộc khủng hoảng đều có thể được giải quyết thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao”.

Bộ trưởng Tình báo và Chiến lược Irael Yuval Steinitz lại cho rằng: “Những nụ cười rạng rỡ tại Lausanne không phản ánh đúng thực tế đáng buồn rằng Iran không chịu nhượng bộ về vấn đề hạt nhân và sẽ vẫn tiếp tục đe dọa Israel và các nước khác tại Trung Đông”./.

 

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Tệp đính kèm