Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu quý 1 cả nước đạt 35,67 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt khoảng 21,6% kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ giao.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)
Mặc dù quý 1 thường chưa phải thời điểm và mùa vụ xuất khẩu, tuy nhiên mức tăng 6,9% thấp hơn mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chung là 10% đang đặt ra mục tiêu phấn đấu của ngành công thương trong ba quý còn lại của năm.
Nhiều mặt hàng sụt giảm
Theo Bộ Công Thương, trong quý 1, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng âm trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn FDI tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm khá lớn với kim ngạch ước đạt 4,25 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong nhóm như thủy sản, càphê, cao su, gạo đều giảm so với cùng kỳ (trên 30%).
Tính chung nhóm mặt hàng nông-lâm-thủy sản xuất khẩu trong quý 1 suy giảm làm mất đi khoảng hơn 500 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay ở một số mặt hàng như gạo, càphê, cao su, thị trường Trung Quốc trong quý 1 có những diễn biến tương đối bất thường dẫn đến việc nhập khẩu gạo và nông sản bị suy giảm.
Một số thị trường truyền thống ở ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia lượng hàng nhập khẩu không có những hợp đồng lớn cho quý 1/2015.
“Điều này khác với những năm trước, Việt Nam có những hợp đồng lớn của năm trước chuyển sang quý 1 của năm tiếp theo,” Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác như thủy sản cũng thiệt hại rất lớn do Mỹ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức cao gây khó khăn cho doanh nghiệp của Việt Nam.
Một số vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng USD cũng có xu hướng mạnh lên so với một số đồng tiền khác như Euro làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường.
Đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 37,2% so với cùng kỳ.
Quặng và khoáng sản khác là mặt hàng duy nhất trong nhóm này có kim ngạch xuất khẩu tăng 11,9% so với cùng kỳ do giá xuất khẩu tăng 72% đã bù đắp lại mức giảm 34,9% về lượng xuất khẩu.
Giá xuất khẩu giảm mạnh là nguyên nhân chính kéo kim ngạch xuất khẩu xăng dầu và dầu thô giảm. Cụ thể dầu thô giảm 48,9% về kim ngạch và giảm 43,2% về giá xuất khẩu so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 36,7% về kim ngạch và giảm 36% về giá xuất khẩu so với cùng kỳ. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu than đá giảm do lượng xuất khẩu giảm 78,6% so với cùng kỳ.
Ngược lại, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung khi nhiều mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, túi xách vali đều tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình chung của cả nước.
Tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong phát triển kinh tế-xã hội là phải tìm cách thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững thông qua các biện pháp mở rộng tìm kiếm thị trường mới.
Từ nay đến cuối năm, hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang được tiếp tục triển khai và đưa vào cuộc sống. Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; các đàm phán đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh thuế quan đang được triển khai tích cực; hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác với Hàn Quốc, Chile đã được triển khai, có hiệu lực, đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
“Việc xây dựng văn bản hướng dẫn các khuôn khổ này, thể chế hóa nó để phục vụ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là những nội dung cơ bản của ngành công thương trong năm 2015,” Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc tiếp tục ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu cũng là những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với nội dung rất rõ yêu cầu tất cả các bộ, ngành tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho sản xuất, cho điều phối lưu thông, đặc biệt cho xuất khẩu để đảm bảo yêu cầu. Trong đó một trong những nội dung lớn mà Bộ Công Thương và các bộ, ngành thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn theo hướng đơn giản hóa cho các thủ tục thông quan, kể cả các thủ tục hải quan cũng như thủ tục khác liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2015, trong thời gian còn lại của năm, ngành công thương đang tích cực tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng tới chất lượng, đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại; gắn kết chặt chẽ nhu cầu của các ngành hàng, của doanh nghiệp, hướng thị trường trọng tâm, trọng điểm có nhu cầu lớn, tiềm năng để tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm, doanh nghiệp của chúng ta để tiếp cận thị trường.
Đồng thời, ngành cũng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và từng bước cùng với các doanh nghiệp tạo cơ chế thực hiện các hoạt động liên kết thúc đẩy sản xuất. Chẳng hạn trong các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản tạo thành chuỗi giá trị, từng bước có điều thuận lợi hơn trong xâm nhập thị trường và cạnh tranh thuận lợi hơn trên thị trường quốc tế.
Ngành công thương cũng tiếp tục tăng cường chỉ đạo cho các cơ quan đại diện, cơ quan xúc tiến thương mại để cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu phát triển thị trường, đồng thời giải quyết có hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở các cam kết hội nhập quốc tế và công cụ của WTO./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/tang-cuong-xuat-khau-bang-doi-moi-xuc-tien-thuong-mai/316541.vnp