Cập nhật: 18/04/2015 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong ký ức người dân Sài Gòn và cả cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ quân quản năm 1975, thành phố này vừa yên bình, gần gũi vừa sôi động.

Nhân dân Sài Gòn đón mừng bộ đội vào tiếp quản thành phố (ảnh tư liệu)

Ngay trong ngày 30/4/1975, sau khi tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, các đơn vị quân đội của ta bắt tay vào làm nhiệm vụ quân quản. Một thành phố vừa được giành lại từ tay quân thù, một thành phố gần như còn nguyên vẹn, không bị tàn phá bởi trận chiến quyết định, thành phố ấy phải được gìn giữ, ổn định ngay.

Năm 1975, ông Hồ Văn Dờ, 24 tuổi, một người dân ở vùng Hóc Môn, Sài Gòn, đã có vài năm làm công nhân kỹ thuật cho một đài phát sóng với mong mỏi mình không phải đi lính phục vụ cho quân đội của chế độ cũ. Cho nên, ngày giải phóng, với ông, ngoài niềm xúc động bởi hai tiếng “hòa bình” còn là chấm hết những ngày lo sợ bị bắt đi quân dịch. Trước khi thành phố được giải phóng, cuối tuần nào, ông Dờ cũng cùng bạn bè, người thân từ Hóc Môn vào khu trung tâm giải trí và mua sắm những thứ cần thiết.

Ngay sau ngày 30/4, hoạt động đó của ông Hồ Văn Dờ cũng diễn ra bình thường,không có gì thay đổi. Thành phố lúc bấy giờ đặt dưới sự quản lý của bộ đội ta và những người dân như ông nhanh chóng chuyển từ lạ lẫm sang gần gũi, hợp tác, chào đón. Ai cũng hiểu rằng, thành phố vừa được giành lại, tình hình trật tự xã hội còn nhiều phức tạp nên những quy định về việc thiết quân luật, giới nghiêm… là cần thiết để bảo vệ cho chính người dân.

Ông Hồ Văn Dờ cho biết: “Thành phố thiết lập chế độ quân quản, tôi cũng trong tâm trạng chờ đợi xem được đối xử như thế nào. Thật sự bên quân quản đối xử với tôi rất tốt. Người dân sinh sống bình thường, được đảm bảo cuộc sống. Mặc dù mấy ngày đầu nhiều cửa hàng chưa dám mở cửa buôn bán, nhưng mấy ngày sau là mở cửa buôn bán, tiếp xúc với cách mạng một cách thân thiện”.

Giải phóng thành phố ngày 30/4 thì rạng sáng ngày 1/5, các đơn vị quân đội của ta đã triển khai xong lực lượng bảo vệ  11 quận nội thành và 44 mục tiêu quan trọng. Trước các công sở, kho hàng, trên đường phố, các chiến sỹ của ta quân phục chỉnh tề, làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, bảo vệ trật tự trị an. Người dân thành phố vẫn có điện, có nước, họp chợ và đi lại bình thường. Ngày 7/5/1975, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn- Gia Định do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch ra mắt nhân dân.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, khi đó là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhớ lại: “Thành phố coi như trọn vẹn, không có một thương vong, tàn sát gì như địch trước đó tuyên bố là Cộng sản vào sẽ tắm máu. Đồng bào nhiều chỗ đã phối hợp với bộ đội, cắm cờ giải phóng trước khi bộ đội vào. Hồi đó là phố xá nguyên vẹn, giao thương bình thường. Cho nên có thể nói, thắng lợi của giải phóng Sài Gòn không chỉ về quân sự mà thắng lợi về lòng dân”.

Là một cán bộ của Trung đoàn 11, Sư đoàn 571, Bộ đội Trường Sơn, đầu tháng 5, sau khi vào thành phố, Đại tá Đinh Công Ty được phân công nhiệm vụ về  phụ trách điểm số 10 trong số 10 điểm tiếp nhận sỹ quan chế độ cũ. Về đây, với chuyên môn là một chính ủy, ông tiếp nhận các sỹ quan của chế độ cũ đến trình báo, giải thích cho họ các chính sách của nhà nước ta và hướng dẫn họ về tiếp tục sinh sống hoặc đi cải tạo.

Đại tá Đinh Công Ty kể: “Sau khi đi cải huấn sỹ quan Ngụy, người ta hiểu ra dần là thì ra chế độ Cộng sản, quân giải phóng với hạ sỹ quan cũng chỉ đăng ký rồi cho về chứ không bắt bớ, còn sỹ quan thì tạm thời đi cải tạo, học tập chứ không phải là bỏ tù. Nói chung là giáo dục thôi. Lực lượng sỹ quan trẻ nhiều, lúc đầu họ rất sợ nhưng rồi được mình giải thích, học tập xong rồi mình gần họ thì họ mới biết rằng là không phải như trước đây bị tuyên truyền.

Lực lượng bộ đội chủ lực của Quân đoàn 4 ở các sư đoàn 7, 9, trung đoàn 226 thuộc Sư đoàn 341, các Lữ đoàn 22, 52, 24… đều tập trung cho nhiệm vụ quân quản. Mỗi quận có một trung đoàn, mỗi phường có một tiểu đoàn và mỗi khóm có một tiểu đội. Trong cuộc họp Đảng ủy Quân đoàn ngày 8/5/1975 đã phân tích chân thực tình hình Sài Gòn và quán triệt: Tiếp quản thành phố này là nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp, hoàn toàn mới lạ. Cho nên, phải chuẩn bị kỹ và thực hiện chặt chẽ để tránh những sai lầm.

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đơn vị  phụ trách các quận 1, 2, 3, 9 cùng một số mục tiêu quan trọng khác cho biết: “Làm công tác quân quản là đi vào phường, khu phố để nắm tình hình, làm thế nào để giữ được thành phố. Lúc đó còn sợ phía địch phản kích. Đó là dự đoán, dự kiến thôi chứ còn dân thì đầu tiên là sợ nhưng đến khi biết là Việt Cộng đúng là Việt Cộng tốt thì họ chỉ cho bộ đội, đưa vào những khu chưa quản lý được. Có thể nói là phải nhờ dân, không có dân, không có cơ sở thì không thể làm được”.

Nhiệm vụ quản lý thành phố thời gian đầu giải phóng đã được các đơn vị bộ đội của ta lúc đó thực hiện thành công. Tháng 2/1976, UBND TP Sài Gòn được thành lập, đánh dấu thắng lợi to lớn của quân ta tại thành phố ngay sau chiến thắng 30/4. Ủy ban Quân quản hoàn thành sứ mệnh sau 10 tháng hoạt động./.

Theo Minh Hạnh/VOV.VN

Tệp đính kèm