Cập nhật: 19/04/2015 10:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện đang là lúc giao mùa, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp, sởi, rubella, tiêu chảy, tay chân miệng… Do đó, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh có vai trò hết sức quan trọng.

Trẻ em rất dễ bị bệnh vì sức đề kháng còn yếu

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm đầu tháng 4 với những đợt nóng, lạnh bất thường, làm cho trẻ em rất dễ bị mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu. Mỗi ngày, trung bình có từ 40-50 trẻ đến khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khám và điều trị, nhiều em phải nhập viện do viêm phổi. Có hai bệnh đang nổi lên hiện nay là các bệnh viêm đường hô hấp (ho, viêm phế quản, viêm phổi) và sốt virus. Điều đáng nói ở đây là sốt virus và viêm đường hô hấp trên là những bệnh không nguy hiểm, nhưng nguy hiểm ở chỗ nhiều bậc cha mẹ sốt ruột, vội vã cho con uống kháng sinh khiến bệnh không đỡ mà còn lâu khỏi hơn.

Nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện do thời tiết nóng, lạnh bất thường. Ảnh minh họa: Đỗ Thoa 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu sốt do virus thì chỉ cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, uống nhiều nước và điều trị các triệu chứng như sốt thì cho giảm sốt, ho thì uống thuốc ho, tắc mũi thì nhỏ thuốc mũi… Sau 3-5 ngày sẽ khỏi bệnh. Việc điều trị bằng kháng sinh không những không đẩy lùi bệnh mà còn khiến trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, bệnh lâu khỏi hơn. Sốt là cơ chế cơ thể chống lại bệnh tật, vì thế, vội vã cho con uống thuốc giảm sốt khiến bệnh không đỡ mà lại là nặng thêm. Ngoài ra, quá liều giảm sốt có thể gây ngộ độc thuốc gây nhiễm độc gan, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, muốn kiểm tra nhiệt độ cơ thể con chính xác, các bậc cha mẹ cần cặp nhiệt độ vào nách chứ không nên cho con ngậm nhiệt kế hoặc đo nhiệt độ qua đường hậu môn. Khi đo nhiệt độ cơ thể con ở nách mà đạt 38,5 độ trở lên thì mới cho con uống thuốc giảm sốt. Liều giảm sốt là 10-15mg/1kg cân nặng. Khoảng cách giữa hai lần uống thuốc giảm sốt là từ 4-6 tiếng. Nếu con vẫn sốt cao có thể giảm sốt bằng cách cho con mặc quần áo mỏng, thấm mồ hôi, lau trán, nách, cơ thể cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm. Ngoài viêm đường hô hấp và sốt virus thì mùa hè cũng là thời điểm rất dễ xảy ra các bệnh như: tay chân miệng, cúm, tiêu chảy, viêm màng não mủ, sốt xuất huyết... do đó, người dân cần chủ động để phòng, chống những bệnh này.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè

Để phòng bệnh hiệu quả cho bản thân và các thành viên trong gia đình, các chuyên gia y tế cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế bệnh tật như: cần cho con em mình tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng và nếu có điều kiện có thể tiêm thêm một số loại vắc xin khác theo dịch vụ như cúm, viêm não nhật bản…

Bên cạnh đó, việc tăng cường sức đề kháng thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày là một trong những cách tốt nhất để phòng, tránh dịch bệnh; cần thường xuyên bù nước, vì mùa hè, cơ thể con người dễ mất nước. Tuy nhiên, không uống nhiều nước đá, không ăn thức ăn quá lạnh.Không để quạt điện xối thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị cảm lạnh; không đột ngột ra, vào phòng điều hoà để tránh bị cảm lạnh. Người bệnh tăng huyết áp càng phải thận trọng, không đột ngột ra, vào phòng đang chạy máy điều hoà nhiệt độ hay đột ngột từ phòng điều hoà bước ra ngoài trời nắng nóng... để tránh xảy ra tai biến mạch máu não.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống là rất quan trọng trong phòng, chống các bệnh mùa hè. Do đó, người dân cần giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng. Với trẻ nhỏ cần tắm hàng ngày, tránh để mồ hôi ứ đọng. Ruồi, muỗi là loài trung gian truyền dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm não Nhật Bản... Mùa hè, loài này phát triển nhanh, do đó cần chú ý diệt ruồi, muỗi bằng cách phun diệt, khơi thông cống rãnh, bụi rậm quanh nhà; không bố trí chuồng nuôi gia súc, gia cầm sát nơi ở. Đặc biệt, cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng, ngừa rối loạn tiêu hoá và các bệnh truyền nhiễm đường ruột.

Việc chủ động của người dân là biện pháp tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh. Khi trong gia đình hoặc nơi sinh sống có người mắc bệnh dễ gây thành dịch, người dân cần thông báo với chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời…/.

 

               Theo Đỗ Thoa

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Tệp đính kèm