Hơn 150 đầu báo các loại được trưng bày tập hợp từ BST của 4 nhà sưu tập Nguyễn Phát Hà Giang, Tạ Thu Phong, Hoàng Minh và Trịnh Hùng.
Một trong số những tờ báo được trưng bày
Hướng tới Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015); kỷ niệm 150 năm ngày ra đời tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo (15/4/1865 - 15/4/2015), vừa qua, Thư viện Hà Nội phối hợp với Diễn đàn Sachxua.net và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây khai mạc trưng bày "150 năm báo chí Quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1954".
Cách đây tròn 150 năm, ngày 15/4/1865, Gia Định Báo, tờ báo chữ quốc ngữ số đầu tiên đã ra đời. Lần đầu tiên, người Việt Nam có được tờ báo in bằng chữ quốc ngữ. Từ thời điểm đó đến nay, báo chí quốc ngữ đã phát triển vượt bậc, trở thành chủ lưu của báo chí Việt Nam.
Hơn 150 đầu báo các loại được trưng bày lần này tập hợp từ bộ sưu tập của 4 nhà sưu tập Nguyễn Phát Hà Giang, Tạ Thu Phong, Hoàng Minh và Trịnh Hùng. Trong đó có nhiều tờ báo, ấn phẩm giá trị, quý hiếm xuất hiện từ năm 1865 đến năm 1954 như Gia Định báo, tờ học báo Thông loại khóa trình, Đuốc Nhà Nam, Nông cổ mín đàm…
Nhà sưu tập Nguyễn Phát Hà Giang cho biết: Kể từ khi tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ ra đời thì đây là lần thứ 4 trưng bày "150 năm báo chí Quốc ngữ giai đoạn 1865 - 1954" được tổ chức giới thiệu tới công chúng một cách có hệ thống về diện mạo báo chí Việt Nam, qua đó nhằm tôn vinh những nhà báo, tờ báo tên tuổi đã làm rạng danh nền báo chí nước nhà.
Trong khuôn khổ cuộc trưng bày đã diễn ra tọa đàm “150 năm Báo chí quốc ngữ” với các nội dung: Ngôn ngữ báo chí quốc ngữ thời kỳ đầu thế kỷ 20; điểm lại nguồn báo chí thời chiến tranh và bao cấp ở miền Bắc trên cả hai phương diện hình thức lẫn nội dung; vài nét về không gian báo chí bao cấp khi nhìn lại và những khó khăn trong việc sưu tầm báo chí tại Việt Nam. Trưng bày diễn ra từ nay đến ngày 21/4 tới./.
Theo Hồng Bắc/VOV.VN