Cập nhật: 08/05/2015 09:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Truyền thống tốt đẹp của Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, phát triển lên một tầm cao mới trong điều kiện hiện nay.

Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay đã được trang bị nhiều

phương tiện vũ khí hiện đại (Ảnh: Hoàng Dũng)

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã làm nên những chiến thắng vang dội, bảo vệ vùng biển, đảo, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam, giải phóng biển đảo của Tổ quốc… Điều gì làm nên sức mạnh của lực lượng non trẻ trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật hết sức khó khăn lúc bấy giờ?

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2015), câu trả lời phần nào được giải đáp trong câu chuyện sau đây của những người trực tiếp bám biển chiến đấu trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến.

Với Đại tá Trần Phong, kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp của ông là những chuyến vận chuyển vũ khí trên tàu không số chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đặc biệt là chuyến xa nhất đi Cà Mau vào tháng 10/1963. Khi đó, ông là thuyền trưởng tàu không số, đoàn trưởng đoàn 105. Sau hàng chục ngày lênh đênh trên biển, né tránh sự kiểm tra gắt gao của địch, tàu đã tới Cà Mau. Nhưng khi vào tới bến nước rút, tàu chở hơn 60 tấn vũ khí mắc cạn ngoài cửa sông.

Trong khi đó, địch thường xuyên dùng máy bay tuần tra, rà soát hòng ngăn chặn tàu thuyền tiếp viện. Nếu không khéo rất dễ trở thành mục tiêu tấn công của địch. Trước tình huống đó, ông và anh em trên tàu bình tĩnh, mưu trí tiếp tục hóa trang giả làm tàu buôn.

“Toàn tàu chúng tôi tập trung vào ngụy trang. Anh em chiến đấu chuẩn bị vũ khí sẵn sàng. Anh em khác tập trung căng bạt trắng lên che coi như là tàu đi buôn đi giao hàng các nơi về. Vừa xong thì máy bay đến. Nó lượn 3 vòng nghiêng ngó hết, tôi thuyền trưởng cùng anh tín hiệu lên đài chỉ huy mặc áo rằn ri, treo cờ ngụy. Không phát hiện thấy gì, sau 3 vòng lượn, chúng bay đi luôn. Quan sát dưới biển không có gì nguy hiểm, hoạn nạn đã qua, và cả bến, cả tàu chúng tôi mới cùng reo mừng”, Đại tá Trần Phong nhớ lại.

Đoàn tàu không số chở hàng chi viện vượt hàng nghìn cây số khi đó chỉ là những tàu gỗ thô sơ, nhưng với tinh thần bền bỉ, gan dạ, mưu trí, khắc phục khó khăn của người lính hải quân, đã vận chuyển thành công hàng nghìn tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Khó có thể tưởng tượng được, với gần 100 tàu chiến đấu hầu hết là công suất nhỏ, cũ kỹ, lạc hậu của Bộ Tư Lệnh Hải quân nhưng đã đánh đuổi được tàu khu trục ma đốc hiện đại của Mỹ ra khỏi vịnh Bắc bộ và ngay trận đầu thử lửa ngày 5/8/1964, Bộ đội Hải quân đã cùng với lực lượng phòng không và nhân dân địa phương đập tan cuộc tập kích lớn bằng không quân phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác và bắt sống tên giặc lái đầu tiên.

Không chỉ đối đầu với lực lượng tàu địch trên biển, máy bay trên không, từ năm 1967, Hải quân Việt Nam còn phải chống lại chiến dịch phong tỏa các cảng biển miền Bắc bằng thủy lôi của địch. Đây là loại vũ khí nguy hiểm, với những nguyên lý gây nổ bằng ánh sáng, cảm ứng từ, âm thanh… hiện đại nhất thời bấy giờ. Hầu hết các chiến sỹ công binh hải quân làm nhiệm vụ rà phá, tháo gỡ thủy lôi đều anh dũng hy sinh.

Đại tá Trương Thế Hùng, nguyên đội trưởng đội 8 công binh Hải quân, đơn vị chuyên tháo gỡ thủy lôi cho biết: “Chiến sỹ đội 8 công binh Hải quân được coi là những chiến sỹ cảm tử, bởi chúng tôi làm nhiệm vụ tiếp cận thủy lôi, cũng như người ngồi trên phương tiện rà phá thủy lôi trên sông biển không biết thủy lôi dưới biển ở chỗ nào, anh em phải lấy tinh thần sẵn sàng hy sinh, bởi thủy lôi có thể nổ bất cứ lúc nào dưới biển”.

Phương tiện vũ khí thô sơ, nhưng trong giai đoạn 1965 – 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu hàng nghìn trận, tiêu diệt gần 2.000 tên địch và 34 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy hàng trăm tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, đánh chìm, đánh hỏng hàng nghìn tàu, xuồng chiến đấu, tàu vận tải quân sự của địch, bắn rơi 118 máy bay.

Hải quân Nhân dân Việt Nam làm nòng cốt đánh bại chiến dịch phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của không quân và hải quân Mỹ; kịp thời huy động lực lượng tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Những chiến công đó chỉ có thể được làm nên bằng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của lớp lớp chiến sỹ hải quân.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân khẳng định, truyền thống tốt đẹp của Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, phát triển lên một tầm cao mới trong điều kiện hiện nay.

“Chúng ta không chạy đua về số lượng nhưng chúng ta sẽ mạnh về ý chí, mạnh về cách đánh, mạnh về huấn luyện tinh nhuệ, chúng ta thành thạo về địa hình và chúng ta có nền quốc phòng toàn dân thì chúng ta vẫn giành được thắng lợi. Trong tình hình biến động phức tạp, khó lường như ngày nay quân chủng hải quân phải làm nòng cốt vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo, vừa giữ được môi trường hòa bình để phát triển đất nước, thì truyền thống chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng, 16 chữ vàng này là truyền thống kết nối giữa trước đây với ngày nay, trong nhiệm vụ khó khăn và tiến lên hiện đại này”, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.

Được Đảng, Nhà nước và quân ủy Trung ương xác định tiến thẳng lên hiện đại và giao nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, ngày nay Hải quân Nhân dân Việt Nam được tổ chức thành 5 vùng chiến lược theo chiều dài ven biển.

Hải quân được tổ chức với 5 binh chủng gồm: tàu mặt nước; tàu ngầm; không quân Hải quân; pháo - tên lửa bờ biển; Hải quân đánh bộ - đặc công Hải quân và lực lượng phòng thủ đảo. Tinh thần 16 chữ vàng truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” đã, đang và sẽ tiếp tục được kế thừa và phát triển./.

 

Theo Nguyên Nhung/VOV.VN

Tệp đính kèm