Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc ngày 16/5 đã yêu cầu Chính phủ Đức quyết liệt hơn trong việc đối phó, ngăn chặn các vụ tấn công bài ngoại và những khẩu hiệu thù địch nhằm vào người nước ngoài tại Đức. Đây là tuyên bố được đưa ra sau khi Ủy ban hoàn tất việc xem xét kết quả thực hiện Công ước chống phân biệt chủng tộc của Đức trong thời gian gần đây.
Cơ quan này cũng bày tỏ hết sức quan ngại trước sự gia tăng và lan rộng của tư tưởng phân biệt chủng tộc thông qua chính các phong trào chính trị và cả một số đảng phái tại Đức, đồng thời cho rằng Đức đang thiếu các biện pháp hiệu quả để kiểm soát và ngăn chặn xu hướng bài ngoại đang diễn ra. Ủy ban của Liên hợp quốc cũng cho rằng chính phủ và chính quyền các địa phương của Đức phải có những giải pháp cụ thể hơn để bảo vệ người tỵ nạn và nhập cư, cũng như cần có thêm quyết tâm chính trị và những sửa đổi luật pháp cần thiết.
Người biểu tình chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và làng sóng tị nạn vào Đức. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)
Cho tới nay, các chế tài xử phạt hành vi kỳ thị và bài ngoại kể cả khi có sử dụng bạo lực nhằm vào người nước ngoài không được quy định cụ thể trong luật của Đức. Chính điều này làm cho các thẩm phán luôn lúng túng trong việc xét xử khi có vụ việc xảy ra và mức phạt thường rất nhẹ.
Một vấn đề khác Ủy ban của Liên hợp quốc đưa ra là đề nghị Chính phủ Đức bảo đảm cho người tỵ nạn có quyền tiếp cận không hạn chế các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế và giáo dục, một vấn đề còn có những thiếu sót tại các trung tâm tỵ nạn ở Đức.
Công ước chống phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc có hiệu lực từ năm 1969 và hiện có 177 nước ký kết thực hiện công ước này./.
Theo TTXVN