Ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, quan điểm của Vụ là đơn giản nhất thủ tục, đáp ứng nhu cầu người tham gia.
Sau hơn 4 tháng triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, số người tham gia BHYT giảm hơn 1,2 triệu người, đi ngược với chủ trương tiến tới BHYT toàn dân. Vì thế mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã quyết định lùi thời gian thực hiện mua BHYT theo hộ gia đình đến tháng 1/2016.
Nhiêu khê các loại giấy tờ
Một trong những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà là mua BHYT theo hộ gia đình thủ tục nhiêu khê với hàng loạt giấy tờ. Anh Đỗ Văn Toán (Đồng Hỉ, Thái Nguyên) cho biết, anh đã ly hôn nhưng tên vợ cũ vẫn còn trong sổ hộ khẩu gia đình. Khi anh đi mua BHYT cho gia đình, phường đòi xuất trình giấy ly hôn, giấy tạm vắng của vợ anh. “Vợ cũ của tôi đi khỏi địa phương thì giấy tạm vắng cô ấy cầm theo chứ tôi đâu có mà xuất trình. Theo tôi, chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân để xác định đúng họ, tên, ngày tháng năm sinh để điền trong BHYT cho đúng là được. Tôi phải bỏ tiền ra mua BHYT chứ có phải được phát không đâu mà đòi hỏi lắm giấy tờ phức tạp thế. Bỏ công bỏ việc đi lại nhiều lần mới mua được” - anh Toán bức xúc. Chị Đỗ Thị Hương (Ý Yên, Nam Định) cho biết, chị đi mua BHYT cho các thành viên trong gia đình nhưng 2 tháng nay vẫn chưa mua được. Nhà chị có 5 anh chị em, người đi học, người đi làm ở khắp mọi nơi. Trong khi đó UBND xã yêu cầu tất cả các giấy tờ photocopy phải có công chứng. Vì vậy, chị phải đợi anh chị em gửi giấy tờ gốc qua đường bưu điện về.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã quyết định lùi thời gian thực hiện mua BHYT theo hộ gia đình đến tháng 1/2016. (ảnh: KT)
“Bố mẹ thấy tôi đi lại vất vả bảo thôi không cần mua BHYT nữa, nhưng bố mẹ tôi đã lớn tuổi, không có BHYT lỡ ốm đau thì lấy tiền đâu mà chi phí. “Không ít người trong làng thấy thủ tục nhiêu khê đã từ bỏ không mua nữa” - chị Hương chia sẻ.
Còn anh Thành, chủ một đại lý thu BHYT tại thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình cho rằng, nếu thủ tục hành chính nhiêu khê thì chỉ có gia đình nào có người thân đang bệnh tật họ mới mua, còn những gia đình toàn người khỏe mạnh họ chẳng mua làm gì, bởi có BHYT mà đi khám không đúng tuyến vẫn phải trả 100% chi phí.
Cho dù Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết định lùi thời gian thực hiện mua BHYT theo hộ gia đình đến tháng 1/2016 nhưng nhiều địa phương vẫn bán BHYT theo hộ gia đình. Anh Đinh Văn Thắng (Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ, “Anh tôi lấy vợ vẫn ở với bố mẹ. Trong sổ hộ khẩu của bố mẹ tôi có 6 người. Vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền để năm nào cũng mua BHYT cho 6 người có tên trong sổ hộ khẩu, trong khi tôi bàn với vợ chồng người anh thì họ không chịu mua.
Đơn giản hóa thủ tục
Luật BHYT sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 nhưng các cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản hướng dẫn nên cơ quan BHYT ở mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Do sợ làm sai nên các địa phương đưa ra những quy định chặt chẽ, cứng nhắc gây khó cho người dân. Ngày 12/3/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới ban hành văn bản số 777 hướng dẫn và thống nhất các quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn này quy định người dân muốn mua thẻ BHYT theo hộ gia đình phải xuất trình khá nhiều loại giấy tờ như bản công chứng sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú, giấy đăng ký tạm vắng, giấy báo tử, bản sao thẻ BHYT của người đã tham gia, giấy chứng nhận đang ở nước ngoài, bản sao giấy ly hôn…
Ngày 14/5, Vụ Bảo hiểm Y tế tiếp tục họp bàn với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm đơn giản hóa các thủ tục đăng ký. Dự kiến, các bên sẽ ban hành văn bản hướng dẫn mới trong đó quy định người dân sẽ không cần phải photo thẻ bảo hiểm y tế, giấy tạm trú tạm vắng... của các thành viên khác trong gia đình.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ phó Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, quan điểm của Vụ là đơn giản nhất thủ tục, đáp ứng nhu cầu người tham gia. Theo ông Khảm, để BHYT bao phủ đến mọi người dân thì vai trò của các địa phương rất quan trọng. Tự mỗi địa phương sẽ biết được địa phương mình đang gặp vướng mắc gì để đưa ra những giải pháp tháo gỡ.
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cho rằng, không nhất thiết phải đòi hỏi quá nhiều giấy tờ mà nên để cho gia đình tự khai, chẳng hạn nhà có bao nhiêu người, ai đã có thẻ, ai chưa, người nào đi công tác, người nào ở nhà, sau đó chủ hộ ký tên và địa phương xác nhận là đủ./.
Theo Minh Thư/Báo VOV.VN