Với các bé mồ côi bị bại não, khuyết tật, thì “Lắng nghe trẻ em nói” thật sự không thể “theo cách thông thường”.
Bé rất thích được vuốt ve, ôm ấp
Tháng hành động vì trẻ em năm nay được phát động từ ngày 1/6 đến 30/6 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Đây là một trong bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em. Thế nhưng ở những nơi như Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An, Ba Vì, Hà Nội, mà phần lớn là các bé mồ côi bị bại não, khuyết tật, thì “Lắng nghe trẻ em nói” thật sự không thể “theo cách thông thường”.
Cô Đào Thị Trà Giang, người đã gắn bó với trung tâm 20 năm nay cho biết: “Các cháu không tự kiểm soát được bản thân mình. Từ cho ăn, mặc, đi vệ sinh các cô đều phải lo làm hết. Ốm đau bệnh tật các cháu cũng không thể biết được là mình bị sao, chỉ biết khóc thôi, lúc đó thì các cô báo y tế…”
Để hiểu được các em muốn gì, cần gì, những cán bộ nơi đây đã sử dụng một cách giao tiếp rất “đặc biệt”. Cô Đỗ Thị Hoan, một cán bộ trẻ mới về làm việc tại trung tâm chia sẻ: “Cuộc sống của các cháu như thế này, bây giờ mình suy nghĩ nếu như bản thân mình đứng vào vị trí của các cháu mình sẽ cảm thấy như thế nào, thì mình sẽ hiểu thật ra các cháu sẽ cần gì? Chúng ta có gia đình, có anh em, có bạn bè, có tất cả các mối quan hệ xã hội vì thế chúng ta chia sẻ tình yêu thương của mình với các cháu”.
Những đứa trẻ ở trung tâm đặc biệt này rất ít khi quấy hay khóc to, chúng chỉ mếu máo chảy nước mắt như tủi thân. Lúc đó, chỉ cần được bế là các bé sẽ nín ngay, và mỉm cười trong trẻo. Khi được bạn Trần Thu Hà ở Ngọc Khánh, Hà Nội đến thăm và bế lên chơi cùng, các bé ngả đầu trên vai, đôi tay quàng chặt quanh cổ khách. Các em thèm lắm được yêu thương, được bế, được vỗ về ôm ấp. Cho đi yêu thương và nhận lại nụ cười cùng tình cảm chân thành từ các em, bạn Trần Thu Hà xúc động nói: “Hoàn cảnh như thế này nên mình càng muốn chăm sóc hơn, em bế xong rồi em ru một tý là lăn ra ngủ, còn các em bé khác thì em xoa đầu, trò chuyện, các em ngoan ngãn, dễ bảo.”
"Có đôi mắt nhưng không nhìn ra vẻ đẹp, có đôi tai nhưng không cảm nhận được âm nhạc, có đầu óc nhưng không tin vào sự thật, có trái tim nhưng chẳng bao giờ rung động và vì thế không bao giờ bùng cháy. Đó là những điều đáng sợ" - Đây là câu nói của một thầy giáo trong cuốn tự truyện "Tốt-tô-chan cô bé bên cửa sổ" của Tet-su-kô Ku-rô-ya-na-gi.
Đến lớp học đặc biệt này, bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn ở Hà Đông, Hà Nội nhận ra rằng, trong cuộc sống, có những thứ ngôn ngữ không cần dùng đến lời nói. Và thứ ngôn ngữ đó có thể lay động mọi trái tim : “Có em rất thích chụp ảnh, có em thì chỉ cần ôm ấp. Mặc dù không nói được nhưng các em vẫn cố gắng giao tiếp và thích thú khi tôi nói chuyện và chụp ảnh cùng các em”.
Khi tới dự và phát biểu trong Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tại Hải Dương ngày 30/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Mỗi người chúng ta hãy tĩnh tâm lại, nghe tiếng nói của con trẻ, nghe tiếng nói của lòng mình, những đứa trẻ muốn gì ở người lớn, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều. Tôi thực sự mong rằng, bằng hành động, chúng ta hãy chăm lo cho các cháu để làm sao măng non mọc thẳng thành rừng tre. Nếu chúng ta chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em để các cháu vui, khỏe và giỏi giang hơn chúng ta, thì đấy là hồng phúc của nước nhà”.
Với riêng các em bé kém may mắn nơi đây, có lẽ cần nhiều hơn nữa những người giàu lòng nhân ái như bạn Thu Hà, Anh Tuấn, dành sự quan tâm, đến chơi với các em và học “lắng nghe” theo một cách rất khác - Dùng cả trái tim, sự đồng cảm, và tình thương yêu vô điều kiện. Vì biết đâu ngày mai, trong số các em, sẽ có những nhiếp ảnh gia, nhà hoạt động xã hội, hay chính là một nhân viên của trung tâm, hết lòng "lắng nghe" trẻ em "nói"!/.
Theo Lê Vương Bá Hiếu/VOV.VN