Cập nhật: 21/06/2015 11:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các lực lượng chức năng và hiệp hội phải nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng, tập trung triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm  sản xuất hàng giả trên cả nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo về công tác chống hàng lậu, hàng giả. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ngày 20/6, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). 

Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có những chuyển biến tích cực và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, một số vi phạm lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời. 

Tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại và thách thức xã hội, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như mỹ phẩm, bia rượu, bánh kẹo, thuốc, điện thoại, sữa, phân bón, đồ chơi trẻ em, điện tử-điện lạnh...

Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, công tác thông tin tuyên truyền còn gặp nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi với Hiệp hội VATAP, doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ và kém hiệu quả.

Trong khi đó, nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả càng đòi hỏi cấp thiết. Do vậy, vai trò của doanh nghiệp trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tới.Chủ tịch Hiệp hội VATAP, ông Lê Thế Bảo cho biết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra phổ biến, gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp bị thất thu, người tiêu dùng bị lừa, môi trường kinh doanh và xã hội không an toàn trở thành trở ngại thách thức đối với Nhà nước và xã hội.

Để đảm bảo quyền lợi, người tiêu dùng nên tìm hiểu rõ thông tin và nguồn gốc trước khi mua sản phẩm, kiên quyết từ chối không mua hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Phát biểu chỉ đạo tại cuộc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là hành vi tội ác, vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Phó Thủ tướng cũng nêu lên một thực tế hiện nay là một số doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức đến thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thậm chí có lực lượng bao che, tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, điều tra những vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả, đặc biệt là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh; xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay, dung túng buôn bán hàng giả, hàng lậu, đồng thời tập trung triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm  sản xuất hàng giả trên cả nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế kinh phí cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống hàng giả, hàng nhái và báo chí cần vào cuộc quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Hiệp hội VATAP ký quy chế hợp tác. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, người tiêu dùng khi nhận thấy dấu hiệu không bình thường về sản phầm thì thông tin nhanh chóng tới cơ quan quản lý thị trường, báo chí để kịp thời đấu tranh, xử lý và coi đây là biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Cuộc đấu tranh với vấn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc không chỉ của riêng một tổ chức, cá nhân mà là việc của toàn xã hội. Vì vậy, chúng ta cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật và nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi sản xuất, buôn bán hàng giả.

 

 

Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm