Cập nhật: 23/06/2015 09:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về giải pháp khắc phục sạt lở bờ biển, khôi phục rừng phòng hộ ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa

Biến đổi khí hậu và mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn, các hoạt động phát triển kinh tế trên sông, ven biển,…) đã gây ra nhiều tác động tiêu cực như mất cân bằng bùn cát, gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển, suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn ven biển, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, phần lớn các cửa sông ở khu vực duyên hải miền trung bị bồi lấp theo mùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của bà con ngư dân. Theo thống kê, hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 450 km tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long bị mất khoảng 500 ha rừng ngập mặn/năm.

Để khắc phục sạt lở, những năm qua hầu hết các địa phương chủ yếu áp dụng giải pháp xây dựng kè cứng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đây là giải pháp có suất đầu tư cao, chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực, không phù hợp với xu thế chung được nhiều nước hiện nay hướng tới là áp dụng các biện pháp “thân thiện với môi trường” và “trả lại không gian cho sông”. Việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phù hợp để hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn là cần thiết và cấp bách.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động chỉ đạo cơ quan nghiên cứu triển khai một số đề tài nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long, bồi lấp cửa sông, sạt lở ven biển khu vực duyên hải miền trung; đồng thời triển khai một số dự án thí điểm áp dụng các giải pháp khác nhau để khắc phục sạt lở bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn vùng ven biển nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm tổ chức nghiệm thu các đề tài nghiên cứu, dự án thí điểm theo quy định, công bố kết quả nghiên cứu, hướng dẫn và định hướng cho các địa phương ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp hiệu quả đã được kiểm chứng, phù hợp với điều kiện cụ thể từng khu vực nhằm bảo đảm tính kinh tế và kỹ thuật, tránh lãng phí trong đầu tư và ảnh hưởng tới môi trường sinh thái lâu dài.

Đánh giá tổng thể về thực trạng xâm thực, sạt lở bờ biển

Đồng thời tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ để triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tổng thể về thực trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên phạm vi cả nước; nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp chống xâm thực bờ biển, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tại các khu vực ven biển bị xói sâu; nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp mềm, thân thiện với môi trường để bảo vệ bờ sông, nhất là đối với hệ thống kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, cập nhật để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên nước và phòng chống thiên tai, từng bước xác lập, quản lý hành lang ven sông, ven biển để hạn chế rủi ro thiên tai, nhất là lũ, bão, sạt lở, nước biển dâng; tiếp tục đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến xói lở vùng ven biển các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung; rà soát, xác định các dự án thực sự cấp bách cần ưu tiên đầu tư đưa vào chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu triển khai hệ thống quan trắc, giám sát diễn biến đường bờ biển, trước mắt cần tập trung quan trắc tại một số khu vực bờ biển đang bị xâm thực mạnh nhằm tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát, theo dõi lâu dài, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có cơ chế, chính sách phù hợp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để thực hiện chủ trương xã hội hóa việc trồng, khôi phục, quản lý rừng ngập mặn ven biển, tạo sinh kế cho người dân và chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Phan Hiển

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm