Cập nhật: 09/07/2015 09:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là những kỹ sư CNTT có khả năng giao tiếp thuần thục tiếng Nhật (trình độ N2). Ngoài mục tiêu trên, Tập đoàn FPT cũng đặt kỳ vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp trên nền công nghệ điện toán đám mây hàng đầu tại Nhật Bản.

Chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối Việt-Nhật của Tập đoàn FPT 

phối hợp với các DN Nhật Bản thực hiện.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Dương Dũng Triều cho biết, hiện FPT là doanh nghiệp CNTT Việt Nam có doanh thu lớn nhất từ thị trường Nhật Bản với doanh thu năm 2014 đạt hơn 62 triệu USD. Trong 5 năm nữa, FPT phải nỗ lực để đạt doanh thu 600 triệu USD ở thị trường này.

Mới đây, tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT- TT) tại Tokyo, ông Triều chia sẻ 23,3% DN Nhật Bản chọn Việt Nam để đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường Nhật. Trong đó, FPT là công ty CNTT Việt Nam có doanh thu lớn nhất.

Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của thị trường trên 30%/năm, FPT đang nỗ lực đẩy mạnh triển khai Chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối Việt-Nhật. Đây là những kỹ sư CNTT có khả năng giao tiếp thuần thục tiếng Nhật (trình độ N2). Họ có vai trò quan trọng trong dự án, làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật Bản để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Bên cạnh đó, FPT cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các DN Nhật Bản để đưa các giải pháp CNTT tiên tiến của Nhật Bản vào Việt Nam giúp giải quyết các bài toán trong những lĩnh vực như hải quan, giao thông, chứng khoán, nông nghiệp…

FPT chính thức mở công ty tại Nhật Bản vào năm 2005, đây là công ty CNTT 100% vốn của Việt Nam đầu tiên được mở tại thị trường này.

Sau 10 năm có mặt tại thị trường Nhật Bản, FPT Japan đã có 3 văn phòng tại 3 thành phố lớn của Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Nagoya) và gần 200 khách hàng là các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản như Nissen, Toshiba, Hitachi, Fujitsu, NTT Data, IT Holdings, Agrex…

Hiện FPT đã có một số thành công nhất định như dự án phát triển các ứng dụng cho TV thông minh hay chuyển đổi các ứng dụng sang dạng phần mềm dịch vụ (Saas- Software as a service)… cho một số công ty hàng đầu tại Nhật Bản như Toshiba, Calsonic Kansei, Gulliver,…

Tập đoàn FPT cũng vừa được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông NFS(I), có thời hạn 15 năm, cho phép FPT được phép triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển dịch vụ internet tại đây.

Đồng thời, với giấy phép này, FPT có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định nội địa và quốc tế; xây dựng, triển khai, bảo trì, cho thuê hạ tầng viễn thông; và  các dịch vụ giá trị gia tăng khác  trên nền hạ tầng mạng như truyền hình qua internet (IPTV), trò chơi trực  tuyến (Game Online), báo điện  tử (e-News), thương mại điện  tử (e-Commerce), tên miền (Domain), lưu trữ website chuyên biệt (Hosting),....

Hiện tại, có 6 tập đoàn lớn trong nước của Myanmar đã được nhận giấy phép NFS(I). FPT là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép này.

Thành Chung

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm