Ngay sau vụ việc tác giả Bùi Đình Thăng (Thăng Fly) lên tiếng tố chương trình “Quà tặng cuộc sống” có hành vi “ăn cắp nội dung truyện ngắn,” hàng loạt biên kịch đã cung cấp thêm nhiều dẫn chứng về việc vi phạm tác quyền của chương trình "Quà tặng cuộc sống" trên sóng VTV, do công ty Sunrise Media sản xuất.
Clip "Nhành hoa dại cho cha" được tác giả Tử Văn tìm thấy trên Youtube
do tài khoản “Bài học cuộc sống” đăng lên ngày 6/12/2013. (Ảnh: Tử Văn)
Cụ thể, trong đơn gửi báo chí chiều 8/7, biên kịch Phạm Văn Ba (Bút danh Phạm Tử Văn, Tử Văn) phản ánh: "Khoảng cuối năm 2010, Công ty Cổ phần truyền thông Sunrise tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn ‘Quà tặng cuộc sống’ để lựa chọn các tác phẩm có chất lượng để dựng thành phim hoạt hình chiếu trong chương trình “Quà tặng cuộc sống” phát trên VTV.
Nhận thấy đây là một cuộc thi ý nghĩa, khơi gợi và phản ánh được những vấn đề nhân văn của cuộc sống, nên năm 2011 tôi có gửi 7 truyện để dự thi. Có thể chất lượng 7 truyện đó chưa thực sự xuất sắc, nên khi cuộc thi tổng kết, cả 7 truyện của tôi đều không có tên trong danh sách trao giải. Từ đó tôi cũng không quan tâm tới việc truyện của mình liệu có cái nào đó được dựng thành phim để phát sóng hay không nữa.
Nhưng tháng 6/2015 vừa qua, khi Sunrise tiếp tục phát động thi viết ‘Quà tặng cuộc sống’ lần 2, tôi có dự định tham gia nên tôi lên trang Youtube coi lại các số đã phát sóng để đúc rút kinh nghiệm, hy vọng lần này 2 sẽ có kết quả tốt hơn. Đồng thời với đó, tôi có tò mò vào mục tìm kiếm của trang, nhập từ khóa là tên 7 truyện ngắn dự thi lần 1 của mình thì tôi vô cùng bất ngờ khi 3 trong 7 truyện của tôi được dựng thành phim, 2 truyện trong “Quà tặng cuộc sống” và 1 truyện trong “Khoảnh khắc kỳ diệu.”
Theo đó, ba truyện ngắn mà tác giả Tử Văn tìm thấy là "Nhành hoa dại cho cha" do tài khoản “Bài học cuộc sống” đăng lên Youtube ngày 6/12/2013, "Chuyện của quạ con" do tài khoản “Quà tặng cuộc sống 2014” đăng lên Youtube ngày 14/12/2013, “Chữ hiếu thầy dạy cho tôi” ngày 31/8/2014 do tài khoản “Khoảnh khắc kỳ diệu” đăng lên Youtube."
Biên kịch Tử Văn cũng khẳng định: “Cả ba phim có đôi chỗ khác với 3 truyện tôi viết, điều này là tất yếu trong quá trình biên tập, nhưng cơ bản thì nội dung, tên gọi của phim và truyện tôi viết giống nhau từ 80- 90%.”
Cũng theo tác giả này, năm 2011 khi gửi bài dự thi, anh đã ghi rất rõ tên tác giả là Tử Văn, đồng thời có ghi cả tên khai sinh là Phạm Văn Ba, kèm số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân ở cuối bài dự thi của mình.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, tác giả Tử Văn khẳng định là bản thân anh chưa từng nhận được thông báo, tiền thù lao thanh toán nhuận bút hay bất kì cuộc điện thoại, email liên hệ nào từ phía Sunrise Media về 3 tác phẩm phát sóng lấy cốt truyện từ truyện của mình.
Tác giả Tử Văn bức xúc: “Phần Credit trong phim ‘Chuyện của quạ con’ và ‘Nhành hoa dại cho cha’ thì không hề có tên tác giả là tôi xuất hiện. Phim ‘Chữ hiếu thầy dạy cho tôi,’ do không tìm được bản nào có chạy credit khi kết thúc phim nên tôi không biết Sunrise Media có để tên tác giả không. Nhưng theo dõi các số phát sóng khác của chương trình ‘Khoảnh khắc kỳ diệu’ thì tôi không thấy có số nào có để tên tác giả cả.”
"Tôi tự hỏi, liệu Sunrise có tôn trọng quyền tác giả không và liệu đó có phải là một hình thức ‘ăn cắp’ một cách trắng trợn tác phẩm của tác giả không? ‘Quà tặng cuộc sống’ và ‘Khoảnh khắc kì diệu’ là hai chương trình có nội dung nhân văn, hướng con người sống đẹp, vậy Sunrise liệu đã sống đẹp hay chưa?"
Tác giả Huyền Trang cũng tố cáo sự khuất tất trong cách làm của Sunrise : “Tác phẩm ‘Mẩu bút chì' của tôi đạt giải khuyến khích cuộc thi ‘Quà tặng cuộc sống.” Nhưng khi tác phẩm được dựng phim, phía nhà sản xuất chẳng những không liên hệ gì với tôi, mà còn không ghi cả tên tác giả. Hình như nhiều người khác cũng bị vậy.”
Bởi ngay trong thể lệ năm 2010, kể cả thể lệ mới 2015, cuộc thi “Quà Tặng Cuộc Sống” ghi rất rõ là: “Tác phẩm dự thi đạt yêu cầu chất lượng sẽ được Ban tổ chức lựa chọn làm kịch bản phim, in thành sách và hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành.
- Người gửi bài dự thi cam kết và chịu trách nhiệm về bản quyền bài viết của mình.
- Một người được gửi nhiều bài dự thi và có thể được nhận nhiều giải.
- Người nhận giải tự trả các loại phí và thuế liên quan theo quy định của Nhà nước.
- Tất cả các bài dự thi đều thuộc bản quyền của Công ty Cổ phần Truyền thông S.U.N RI SE.”
Trao đổi với Vietnam+, luật sư Trần Anh Dũng, công ty Luật BKL Việt Nam, cho biết: "Trong Quy định của cuộc thi này yêu cầu: 'Người gửi bài dự thi cam kết và chịu trách nhiệm về bản quyền bài viết của mình' thì hoàn toàn hợp lý. Vì người tham gia là người sáng tác, phía Sunrise Media cũng không phải cơ quan đăng ký, họ yêu cầu người tham gia cam kết như vậy cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho Sunrise Media."
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Anh Dũng, quy định: “Tất cả các bài dự thi đều thuộc bản quyền của Công ty Cổ phần Truyền thông S.U.N RI SE” thì là sai luật.
"Theo Điều 36 đến Điều 44 về Chủ sở hữu tác phẩm, thì không có trường hợp tác phẩm được tạo ra rồi, sau đó đem đi dự thi thì tổ chức thi lại nghiễm nhiên là chủ sở hữu. Trừ phi có hợp đồng và chuyển giao quyền sở hữu theo Điều 41. Hoặc là người của chính Sunrise Media sáng tạo ra tác phẩm truyện ngắn do chính công ty này đã trả lương, trả công theo như Điều 39. Điều 36 đến Điều 44 phần Quy định về các chủ sơ hữu tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả nó phải thuộc một trong các trường hợp trên mới là chủ sở hữu quyền tác giả. Còn đây là phát động một cuộc thi, ngưởi ta gửi bài rồi quy định hay gọi các bài gửi ấy là của tổ chức phát động cuộc thi là không có cơ sở pháp lý. Chẳng lẽ, tác giả sáng tác gửi đến cả chục nơi, thì tất cả những nơi ấy đều có quyền tác giả sao được?"
Hàng loạt sai phạm như không thông báo, trả nhuận bút, ghi tên tác giả ở phần credit và sự mập mờ trong vấn đề bản quyền được ghi rõ trong thể lệ cuộc thi, đang tố cáo sự khuất tất trong cách làm của đơn vị sản xuất “Quà tặng Cuộc sống"./.
Theo LÊ MÂY (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/them-nheu-bien-kich-to-qua-tang-cuoc-song-khuat-tat-ve-ban-quyen/331882.vnp