Cập nhật: 29/07/2015 09:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo ý kiến luật sư, tuy không tước đi mạng sống của đối tượng vận chuyển trái phép ma túy nhưng vẫn cần áp dụng những hình phạt nghiêm khắc.

Nguyễn Quốc Hùng (32 tuổi, quê Thái Bình) được xác định

là đối tượng cầm đầu trong vụ buôn bán gần 500 bánh heroin

Cuối tuần qua, báo chí thông tin liên tục việc bắt giữ vụ vận chuyển gần 500 bánh heroin tại Gia Lâm, Hà Nội và vụ đánh sập đường dây mua bán 5,5 tấn ma túy do đối tượng Lamphunxilaxa (47 tuổi, quốc tịch Thái Lan) cầm đầu.

Đặc biệt, cả 2 vụ việc đều có số lượng heroin, ma túy “khủng” nhất từ trước đến nay, trong đó có vụ liên quan đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mặt khác, tình hình tội phạm ma túy diễn biến trong thời gian qua được đánh giá là rất phức tạp. Số người nghiện ma túy gia tăng ngày càng lớn. Hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ các chất ma túy ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Trong bối cảnh đó, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân có quy định bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Có ý kiến ủng hộ quy định này cho rằng người vận chuyển thường là người nghiện ma túy, người làm thuê, bị mua chuộc, lôi kéo, hưởng lợi ít; còn người chủ mưu cầm đầu là những người mua bán, được hưởng lợi lớn. Nếu tử hình người vận chuyển trái phép chất ma túy thì pháp luật đánh đồng người chủ mưu cầm đầu là người mua bán với người vận chuyển trái phép chất ma túy là người làm thuê.

Nếu Quốc hội quyết định vẫn áp dụng án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy thì nên xem xét giảm nhẹ cho người phạm tội lần đầu, người nghiện ma túy, người nghèo bị mua chuộc lôi kéo.

Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến không đồng tình với quy định của Dự thảo luật vì cho rằng không áp dụng án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy sẽ tạo kẽ hở để tội phạm ma túy phát triển phức tạp.

Đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo Luật, Luật sư Tạ Quốc Long (Công ty Luật Đức Bảo) nhấn mạnh, xu hướng thế giới hiện nay và trong tương lai là các nước tiến tới xóa bỏ án tử hình hoặc thu hẹp diện các loại tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Đây cũng là xu hướng tất yếu của xã hội loài người khi quyền sống và tồn tại của con người được coi là quyền thiêng liêng nhất.

Theo Luật sư Tạ Quốc Long, việc đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội Vận chuyển trái phép chất ma túy cần được xem xét một cách cẩn trọng để vừa đảm bảo việc đấu tranh - phòng ngừa tội phạm, vừa lượng hình chính xác khi xử lý loại tội phạm này.

Đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép ma túy thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp hoặc những phụ nữ nhẹ dạ bị các đối tượng người nước ngoài lôi kéo thậm chí bị lừa vô tình trở thành kẻ vận chuyển... Xét về góc độ hưởng lợi từ hoạt động buôn bán ma túy thì họ là mắt xích được trả trả công ít nhất nhưng dễ bị pháp luật trừng phạt hơn những kẻ tổ chức buôn bán - sản xuất ma túy.

Vì vậy, việc xếp loại tội phạm này có cùng tính chất - mức độ hay tính nguy hiểm cho xã hội ngang bằng với hành vi sản xuất, mua bán hay chiếm đoạt chất ma túy để áp dụng hình phạt tương đương là không thỏa đáng. Nói như vậy không có nghĩa coi hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là không nguy hiểm mà xem nhẹ việc đấu tranh với loại tội phạm này.

Luật sư Long cho rằng, để đảm bảo hiệu quả của việc bài trừ hiểm họa ma túy, bên cạnh việc khoan hồng đối với những trường hợp vì hoàn cảnh khách quan hay do dân trí thấp không nhận thức được tính nguy hiểm do hành vi phạm tội của mình gây ra, tuy không tước đi mạng sống của họ nhưng vẫn cần áp dụng những hình phạt nghiêm khắc như tù có thời hạn dài mà không giảm án tha tù trước thời hạn hoặc chung thân không được đặc xá, giảm án. Như vậy là đã đủ để răn đe những kẻ có ý định phạm tội./.

Theo Thanh Hà/VOV.VN

 

Tệp đính kèm