Cập nhật: 07/08/2015 09:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mức tăng lương tối thiểu theo vùng khoảng 10% đến 12% là hợp lý và cơ bản phù hợp với nguyện vọng của các bên.

Cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng 2016 đã không tìm được tiếng nói chung giữa tổ chức đại diện cho người lao động và đại diện người sử dụng lao động. Vào giờ chót của cuộc họp ngày 5/8, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đồng ý thay đổi mức đề xuất của mình từ 7% lên 10%. Tuy nhiên, Hội đồng đã không vội vàng “chốt” phương án cuối cùng mà dành thời gian 2 tuần để bộ phận kỹ thuật phân tích, đánh giá các phương án cũng như xem xét việc tăng lương tác động đến việc đóng BHXH năm 2016 theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Liên quan đến cuộc họp này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Không nên đặt vấn đề thành công hay thất bại trong các cuộc thương lượng, đối thoại vì sẽ không giải quyết được vấn đề cần xử lý. Hội đồng tiền lương là cơ chế đối thoại, thương lượng giữa 3 bên: Người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước nên điều quan trọng là ý kiến của các cơ quan, tổ chức đại diện cho 3 bên trong quan hệ lao động phải phản ánh được quan điểm, lợi ích đại diện thực sự cho từng bên”.

Nói về mức tăng lương tối thiểu hợp lý, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đó là mức tăng có thể góp phần cải thiện được đời sống của người lao động làm công ăn lương và tiến gần tới nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nhằm tái sản xuất sức lao động, duy trì nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mức tăng tiền lương tối thiểu như thế nào cũng phải theo nguyên tắc chi phí sản xuất của doanh nghiệp hợp lý để bảo đảm có khả năng tiêu thụ được sản phẩm và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, có lợi nhuận cho nhà đầu tư. “Nhưng để có tiếng nói chung thì đại diện cả hai bên phải có sự chia sẻ lẫn nhau trên cơ sở xem xét thấu đáo cả ba yếu tố quyết định mức lương tối thiểu” – ông Lợi nói.

Trong điều kiện hiện nay, kinh tế đang khởi sắc, lạm phát được kiềm chế, nhưng thị trường lao động thì chưa ổn định và phát triển mạnh. Do vậy, để tạo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, theo ông Bùi Sỹ Lợi: Mức tăng lương tối thiểu theo vùng khoảng 10% đến 12% là hợp lý và cơ bản phù hợp với nguyện vọng của các bên”.

Nói rõ hơn về “tình hình kinh tế khởi sắc” hiện nay, theo quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi là so với giai đoạn khó khăn trước đó, nhưng về cơ bản, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn đang đối diện với khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Bản thân doanh nghiệp nào thì cũng mong muốn lợi nhuận và hiệu quả trên cơ sở tiết kiệm chi phí sản xuất trong đó chi phí tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội có vai trò rất quan trọng. Nhưng nếu doanh nghiệp không quan tâm đến người lao động, bảo đảm cho người lao động có thu nhập hợp lý để tái sản xuất sức lao động thì đôi khi “lợi bất cập hại”, nguy cơ nhảy việc và thôi việc có xu hướng tăng lên sẽ tác động đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Mâu thuẫn, tranh chấp lao động và đình công có thể phát sinh do tiền lương trả cho người lao động chưa phù hợp. Do vậy, khi hiện nay, “kinh tế khởi sắc” cần xem xét điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu phù hợp bảo đảm được lợi ích của cả ba bên: người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước.

Trở lại với cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đánh giá về đề xuất của 2 bên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng khoảng cách còn quá xa nhau. “Phía VCCI đề xuất tăng 7,2 %, số tăng tuyệt đối khoảng 250.000 đồng/mức, phía Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức. Sau khi phân tích, các bên đã có sự điều chỉnh. Phía Tổng LĐLĐ VN đã giảm một chút, VCCI cũng điều chỉnh lên. Các phương án xoay quanh mức 10%. Phương án của Tổng LĐLĐ VN đưa ra là hợp lý. Nhưng phía người sử dụng lao động cũng còn nhiều áp lực về chi phí, cạnh tranh, đầu vào. Ngoài lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH từ 1/1/2016 cũng tăng chi phí doanh nghiệp. Và khả năng doanh nghiệp chịu đựng là rất khó. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng phương án khoảng trên 10 % một chút là hợp lý. “Điều các cơ quan chức năng lo lắng là từ 1/1/2016, BHXH sẽ từng bước đóng trên tổng thu nhập của người lao động. Điều này sẽ tác động rất lớn tới doanh nghiệp” – Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Theo quy chế, nếu các bên không thể bàn thảo được phương án cuối cùng thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quyết định lựa chọn phương án cuối cùng.

Không thể mãi dựa vào ưu thế lao động giá rẻ

Theo phân tích của ông Bùi Sỹ Lợi, mức lương tối thiểu được pháp luật quy định chỉ để bảo vệ nhóm lao động yếu thế nhất trên thị trường lao động phải được trả lương như vậy. Về cơ bản, người lao động sẽ nhận được mức lương cao hơn mức lương tối thiểu trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Nhưng lương tối thiểu lại có quan hệ mất thiết với tăng năng suất lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, việc tăng lương tối thiểu là do ba yếu tố của mức lương tối thiểu quyết định. Tuy nhiên, nếu chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động giản đơn thì khó tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, lợi nhuận lớn và sẽ đi liền với đó là mức lương thấp do năng suất lao động thấp. Lợi thế lao động giá rẻ là quy luật kinh tế thực sự tồn tại và có tác động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng con đường phát triển của một quốc gia đi tới thịnh vượng, đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” thì không thể duy trì lâu dài lợi thế này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình.

Để bứt phá, bên cạnh cơ hội tăng trưởng kinh tế nhận được trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta phải phấn đấu để ngày càng nhiều doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, người lao động có việc làm bền vững với mức tiền lương thỏa đáng, được hưởng hưu trí khi về già, đáp ứng nhu cầu sống ngày càng tốt hơn./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Tệp đính kèm