Cập nhật: 14/08/2015 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong căn nhà có giàn hoa tigôn rủ tràn bức tường vôi cũ kỹ, Trung tướng Phạm Hồng Cư dù 90 tuổi nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt điều độ với công việc đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu và viết lách mỗi ngày, mà như ông bảo là cách để giữ cho đầu óc linh hoạt, minh mẫn.

Ông bảo hằng ngày vẫn miệt mài nghiên cứu tư liệu để giữ

cho đầu óc linh hoạt, minh mẫn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Còn nhớ vài năm trước, vị tướng già tác phong còn nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng, đôi mắt còn tinh anh là thế mà nay mỗi lần gặp thấy ông yếu đi đôi phần. Con người của lịch sử, con người thuộc về những năm tháng chiến đấu hào hùng nhất của dân tộc ấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và đang sống nốt phần đời bình dị, đón những ngày sang bằng sự mẫn tiệp hiếm có. Tôi lại miên man với suy nghĩ, thế hệ ông cha vừa tài vừa tâm thế này sắp nối gót nhau về trời cả rồi. Bỗng nghèn nghẹn trong tim…

Thế hệ “Lời thề Độc lập,” những nhân chứng cuối cùng của Lễ tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 đã không còn mấy người. Vì thế, nhắc lại thời khắc trọng đại ấy, đôi mắt của vị tướng già chợt ầng ậng nước, bồi hồi, xúc động trào dâng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm (2/9/1945-2/9/2015) Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã có bài viết dành riêng cho độc giả báo điện tử VietnamPlus, kể lại giây phút lịch sử chẳng thể nào quên của hàng triệu triệu trái tim Việt Nam và thế giới:

Ngày 2/9/1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại để lại dấu ấn không bao giờ phai trong ký ức của chúng tôi, những đội viên tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu năm xưa, nay đều là những lính già đầu bạc mà cứ mỗi độ Thu về, lại cùng nhau họp mặt để ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.

Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu là đơn vị bộ đội địa phương đầu tiên của Hà Nội do Thành ủy thành lập ngay sau Cách mạng tháng Tám. Đây là một tổ chức vũ trang chất lượng cao, một đội quân cận vệ có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh ở cấp Trung ương, bảo vệ Bác Hồ các đồng chí lãnh đạo khác, bảo vệ một số cơ quan công khai của Xứ ủy Bác kỳ và Thành ủy Hà Nội.

Ngày 2/9/1945, Đội Tự vệ chiến đấu có vinh dự lớn được cử hai đơn vị đến quảng trường Ba Đình dự Lễ Độc lập: Trung đội Tô Hiệu do đồng chí Đỗ Đức Kiên chỉ huy và Trung đội Trần Quốc Toản do đồng chí Nguyễn Văn Tích chỉ huy. Một trung đội có nhiệm vụ đặc biệt đứng ngay sát lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập như một hàng rào danh dự trực tiếp bảo vệ lễ đài. Một trung đội rải thành hai hàng dọc từ lễ đài về phía đường Điện Biên Phủ bây giờ để đón các vị lãnh tụ. Một lực lượng trinh sát được bố trí tại các ngôi nhà cao tầng xung quanh quảng trường để quan sát và bảo vệ từ xa.

Cuộc míttinh diễn ra vào buổi chiều mồng 2/9, nhưng Đội Tự vệ chiến đấu đã có mặt từ đêm hôm trước. Sáng sớm ngày 2/9, một bộ phận của Đội Tự vệ cùng với các đồng chí chuyên môn đi rà soát, kiểm tra địa bàn bảo đảm không có vật liệu nổ.

Ngày 2/9/1945 là ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Hà Nội bát ngát cờ hoa. Các phố chăng đầy biểu ngữ đủ các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga có nội dung: “Độc lập hay là chết,” “Nước Việt Nam của người Việt Nam.”

Đội ngũ tham dự míttinh gồm đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội: công nhân quần xanh áo trắng; dân quân ngoại thành áo nâu thắt lưng chẽn, tay cầm côn, kiếm, mã tấu; phụ nữ nông thôn áo tứ thân thắt lưng hoa lý; phụ nữ thủ đô lộng lẫy trong tà áo dài; thanh niên gọn gàng áo sơ mi cộc quần ngắn; thiếu nhi bước đều theo nhịp trống ếch; các cụ phụ lão, các nhà sư, các cố đạo đều có mặt trong các đoàn biểu tình.

Đội danh dự xếp thành hàng ngũ chỉnh tề quanh lễ đài gồm các chiến sỹ Giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, sát cánh cùng đội ngũ tự vệ công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời.

Chiều mồng 2/9, nắng Thu vàng rực rỡ. Từ phía đường Điện Biên Phủ, một đoàn ôtô cùng nhiều xe đạp đi chung quanh hộ tống tiến vào khu vực lễ đài. Mọi người hồi hộp nhìn về phía đoàn xe. Lúc đó, tôi đứng cạnh anh Hoàng Phương phụ trách bộ phận ở kỳ đài nên nhìn rất rõ, trong đoàn người bước lên lễ đài có một ông cụ ăn mặc rất giản dị, áo kaki cao cổ, chân đi dép cao su trắng, dáng đi nhanh nhẹn. Tôi không nghĩ đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ đến khi nghe giới thiệu và Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, giọng nói vang như chuông pha âm sắc Nghệ An thì anh Hoàng Phương ghé sát vào tai tôi nói: “Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!” Tôi chợt nghĩ, kể cũng lạ, Người bôn ba bao năm xa đất nước, vậy mà tiếng nói không phai.

Cả biển người im phăng phắc lắng nghe tiếng nói của Người. Lời Bác điềm đạm, đầm ấm, nhưng cương quyết, từng câu từng tiếng đi vào tâm khảm người nghe, tràn đầy tình cảm sâu sắc và ý chí kiên quyết.

Đang nói bỗng dưng Bác dừng lại, hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Tức thì một triệu con người cùng đồng thanh đáp lại “Có… ó… ó!” Cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm.

Cũng như nhiều người dân khác lần đầu tiên gặp Bác, tôi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế. Từ lúc đó, Bác và người dân đã hòa làm một.

Khi đọc lời thề Độc lập, không khí thật thiêng liêng, xúc động. Nhiều người vừa hô “Xin thề” vừa khóc. Bởi lẽ từ thân phận vong quốc nô, “đất nước đói nghèo trong rơm rạ,” mà giờ đây đã vùng dậy đứng lên làm chủ giang sơn, trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập, đó là điều vô cùng sung sướng, vô cùng lớn lao mà chỉ những ai đã trải qua thời nô lệ mới thấu hiểu được.

Tan lễ trở về đơn vị, các bạn trong Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu còn bàn tán mãi không thôi về chuyện “ông Cụ.” Những tư tưởng mới mẻ trong bản Tuyên ngôn Độc lập và giọng nói của Bác Hồ đã thấm sâu trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi đã thấy giá trị của độc lập, thấy trách nhiệm thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập mới giành được. Chúng tôi đã cùng với toàn dân theo lời kêu gọi của Bác Hồ, bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thực hiện “Lời thề Độc lập” cho tới ngày toàn thắng./.

Theo CHI LÊ (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/vi-tuong-gia-va-giot-nuoc-mat-cua-mot-the-he-loi-the-doc-lap/337786.vnp

 

Tệp đính kèm