Sau 5 lần tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam có thí sinh giành được huy chương. Tấm huy chương đồng của Nguyễn Duy Thanh (sinh viên Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) tại nghề giải pháp phầm mềm công nghệ thông tin đã một lần nữa khẳng định sự thông minh, khéo léo của thanh niên Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Nguyễn Duy Thanh đã giành Huy chương Đồng tại Kỳ thi Tay nghề Thế giới.
(Ảnh: Hồng Kiều/Vietanm+)
Ngay khi được hỏi về điều gì đóng góp nhiều nhất vào thành công của mình, Nguyễn Duy Thanh ngay lập tức khẳng định, nếu không có khóa đào tạo 13 tháng của Công ty Samsung tại Hàn Quốc thì Thanh sẽ không thể có được tấm Huy chương Đồng.
Môi trường làm việc, luyện tập cường độ cao tại Hàn Quốc đã giúp cho Nguyễn Duy Thanh tiến bộ rõ rệt. Thế nhưng, sự khác biệt lớn mà Nguyễn Duy Thanh nhận thấy giữa đào tạo ở Việt Nam và Hàn Quốc lại không phải nằm ở khối lượng kiến thức được học.
“Lượng kiến thức em được đào tạo tương tự như ở Việt Nam, những kiến thức chuyên ngành nếu ở Việt Nam mà sắp xếp thời gian làm việc tốt hơn thì cũng rất dễ tiếp cận. Nhưng chỉ ở Hàn Quốc, em mới được huấn luyện những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, thái độ, tinh thần,” Nguyễn Duy Thanh tâm sự.
Nguyễn Duy Thanh kể lại, ở Hàn Quốc có rất điều khác với Việt Nam như huấn luyện về thời gian làm việc, kỷ luật... Thời gian huấn luyện từ 8 giờ sáng đến 23 giờ đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6, những tháng gần thi thì lịch tập kéo dài cả tuần và chỉ nghỉ tối Chủ Nhật. Thỉnh thoảng, Thanh còn được tham gia những đợt luyện tập kỹ năng giao tiếp, thuyết trình cho thí sinh.
Ông Bùi Tiến (Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh), huấn luyện viên của Nguyễn Thanh Duy chia sẻ: "Trước khi sang Hàn Quốc tôi không hiểu tại sao các thí sinh Hàn Quốc họ làm việc như cái máy nhưng rất dễ thương. Sau đó tôi nhận ra, các thí sinh đã được dạy kiểm soát thời gian, giao tiếp, kiểm soát cảm xúc và biết cách tạo thiện cảm với người xung quanh, đặc biệt là giám khảo, đó là một yếu tố thuận lợi của thí sinh Hàn Quốc."
“Em nghĩ ở một số nghề, kỹ năng của thí sinh Việt Nam không thua đất nước nào, chỉ khác ở tính chuyên nghiệp khi làm việc. Như nghề của em không cần nhiều kỹ thuật, áp dụng dụng khoa học kỹ thuật mà chủ yếu là con người, phải làm việc chuyên nghiệp, tự tin,” Nguyễn Duy Thanh nói.
Sau 4 lần tham dự kỳ thi tay nghề không giành được huy chương, điểm mới và nổi bật của Đoàn Việt Nam trong công tác chuẩn bị và tham dự kỳ thi lần này là có sự phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Denso, Toyota, Tổ chức JAVADA (Nhật Bản), Samsung, Vikotec (Hàn Quốc).
Các thí sinh đã được huấn luyện với công nghệ tối tân, máy móc hiện đại trong một thời gian dài cùng các thí sinh của Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính việc xã hội hóa công tác đào tạo thí sinh là “chìa khóa” dẫn tới thành công của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi lần này.
Trực tiếp là người được tham gia đào tạo và học hỏi kinh nghiệm ở Hàn Quốc, ông Bùi Tiến cho rằng, thực tế, xã hội hóa đào tạo nghề là điều cần thiết. Khi các công ty đầu tư thì chắc chắn họ mong muốn có kết quả và phải có cách kiểm tra giám sát tốt hơn. Họ mời chuyên gia đẳng cấp hoặc dùng thí sinh đã giành huy chương để đào tạo để đạt kết quả tốt nhất.
“Xã hội hóa đào tạo nghề cho doanh nghiệp đầu tư vào để từ đó ta có những mẫu tốt để nhân rộng. Nếu chúng ta chỉ đào tạo chung chung thì không thể nâng mặt bằng chất lượng lên được, xã hội hóa sẽ có thí sinh trở thành chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực, có thể nâng cao dần chất lượng đào tạo,” ông Bùi Tiến nhấn mạnh.
Lần đầu tiên đoàn Việt Nam đã có huy chương tại Kỳ thi Tay nghề Thế giới, đây là cơ hội rất lớn cho việc phát triển nghề công nghệ thông tin ở Việt Nam. Việc giành huy chương đã khẳng định vị thế của lao động Việt Nam ở tầm thế giới, nếu tiếp tục đạt đỉnh cao này tại các kỳ thi sau thì nguồn nhân lực Việt Nam sẽ được thế giới đánh giá tốt hơn nữa./.
Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/bat-mi-bi-quyet-gianh-huy-chuong-tai-ky-thi-tay-nghe-the-gioi/339223.vnp