Công chúng Thủ đô Hà Nội yêu nghệ thuật chèo sẽ có dịp sống lại không khí rộn rã “ra đình xem hội” với “Tiếng trống chèo 2015.”
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Ba đêm diễn sẽ đưa tới cho khán giả những trích đoạn tiêu biểu trong các vở chèo cổ nổi tiếng: “Quan Âm Thị Kính” (tối 5/9 tại đình Kim Liên), “Lưu Bình - Dương Lễ” (tối 12/9 tại đình Đông Các) và “Kim Nham” (tối 19/9 tại đình Hào Nam).
Đại diện ban tổ chức cho biết, điểm đặc biệt của chuỗi sự kiện là việc đảm bảo nguyên vẹn mô hình sân khấu, đạo cụ, cách thức hóa trang của lối diễn trò cổ; từ đó, giúp người xem có trải nghiệm chân thật về những nét đặc sắc của loại hình chèo sân đình.
Công chúng sẽ một lần nữa ngả nghiêng theo ánh mắt lúng liếng đưa tình của cô “gái dở đi rình của chua” Thị Mầu, lặng người cùng nỗi đau của Thị Kính hay rưng rưng trước tình bằng hữu, nghĩa phu thê của bộ ba Lưu Bình - Dương Lễ - Châu Long… qua sự thể hiện của các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Việt Nam.
Bên cạnh đó, phần “giới thiệu làng chèo” trong mỗi đêm diễn sẽ mang đến cho khán giả những hiểu biết cơ bản về những tuyến nhân vật điển hình của nghệ thuật chèo (đào, kép, lão, mụ, hề) và không gian văn hóa của chèo sân đình (cảnh gánh chèo đi hội, không khí sân đình náo nhiệt..) qua bộ tranh minh họa của họa sỹ trẻ Jeet Zdung.
Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống, bước ra từ những sân khấu nhỏ nơi đình làng. Trình diễn chèo trong không gian đình cổ là cách để đưa chèo về lại với môi trường diễn xướng truyền thống của loại hình nghệ thuật này.
Sân đình là một không gian mở. Các tiết mục chèo cổ được trình diễn ở đây sẽ tạo cảm giác gần gũi, xóa đi ranh giới, khoảng cách giữa diễn viên và khán giả so với khi diễn ở sân khấu trong các nhà hát.
Không chỉ có vậy, công chúng sẽ được thử nhập vai, hóa thân vào nhân vật mình yêu thích trong mỗi đêm diễn “Tiếng trống chèo 2015.”
“Tiếng trống chèo 2015” do Nhà hát Chèo Việt Nam và tổ chức “Tôi xê dịch” phối hợp thực hiện nhằm góp phần đưa nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến gần hơn với công chúng đương đại.
“Tôi xê dịch” là dự án truyền thông xã hội về văn hóa - du lịch dành cho giới trẻ (ra đời từ tháng 6/2012) với mục đích khuyến khích giới trẻ “đi nhiều hơn, sống sâu hơn,” hiểu biết hơn về các giá trị văn hóa truyền thống./.
Theo AN NGỌC (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/song-lai-khong-khi-ra-dinh-xem-hoi-voi-tieng-trong-cheo-2015/339307.vnp