Cập nhật: 24/08/2015 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhân chuyến tham quan đảo Cù Lao Chàm, kết hợp kiểm tra dự án phát triển du lịch bền vững vào đầu năm 2015, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam đã nhận xét: "Phát triển du lịch hướng về biển đảo, khai thác không gian văn hóa biển đảo là hướng phát triển mới, đầy tiềm năng của ngành du lịch Quảng Nam."

Phong cảnh biển đảo Cù Lao Chàm. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Bà Katherine Muller Marin nhấn mạnh: "Ngoài những giá trị to lớn của thiên nhiên ban tặng, một trong những yếu tố quan trọng chắc chắn làm nên thương hiệu du lịch biển Quảng Nam, đó là sự kết nối chặt chẽ giữa ngành du lịch với cộng đồng, giữa việc khai thác và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng trong phát triển du lịch."

Không riêng bà Katherine Muller Marin, các chuyên gia về du lịch đều cho rằng Cù Lao Chàm chắc chắn sẽ là “bệ phóng” để du lịch biển Quảng Nam khẳng định được thương hiệu của mình.

Thế nhưng, không nhiều người biết rằng cách đây gần 20 năm, năm 1997, thành phố Hội An đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Văn hóa - Thể Thao Hội An “lãnh ấn tiên phong” trong việc xây dựng, thiết kế và thực hiện các nội dung của lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển lần thứ Nhất tại Cù Lao Chàm.

Lễ hội đã thành công ngoài mong đợi để rồi, Cù Lao Chàm trên xã đảo Tân Hiệp từ chỗ “không ai biết đến” trên bản đồ du lịch đã từng bước lột xác để trở thành Khu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm mỗi năm thu hút hàng triệu khách tham quan trong nước và quốc tế.

Lễ hội Văn hóa - Thể thao miền biển lần thứ nhất năm 1997 cũng là một trong những viên đá tảng đầu tiên được Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An đặt nền móng để Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009.

“Biến Cù Lao Chàm từ chỗ “không ai biết đến” trở thành một điểm du lịch không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Quảng Nam thực sự là một kỳ tích,” ông Trần Hưng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm khẳng định.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong chùm những “quả ngọt” mà Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An lặng lẽ đóng góp để Hội An trở thành “Thành phố văn hóa,” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Đô thị văn hóa đầu tiên trong cả nước vào năm 2005.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của gần 200 cán bộ, công nhân viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An trong gần 20 năm qua vì mục tiêu thực hiện hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản với phát triển kinh tế - xã hội đã đưa phố cổ Hội An lần lượt được Tạp chí Du lịch trực tuyến Smart Travel Asia bình chọn trong tốp 5 thành phố tổ chức lễ hội tốt nhất châu Á năm 2009, được Tạp chí Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn là 1 trong 10 thành phố du lịch hấp dấn nhất châu Á, được Tạp chí Wanderlust (Anh Quốc) bầu chọn đạt giải Vàng là thành phố được yêu thích nhất thế giới năm 2012, là một trong 50 thành phố bạn phải đến thăm trong đời (năm 2014).

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhận xét: “Chọn đúng người, giao đúng việc, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An còn là đơn vị được tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An tin tưởng giao cho trọng trách là người “cầm trịch” trong Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ nhất năm 2003. Thành công mỹ mãn của lễ hội này đã làm nên thương hiệu Festival Di sản Quảng Nam ngày nay.”

Là người luôn theo dõi và ủng hộ đến cùng những ý tưởng sáng tạo của Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho biết các hoạt động thiết thực như khôi phục các lễ hội văn hóa dân gian, biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các trò chơi truyền thống đến xây dựng các sản phẩm du lịch mới như du lịch làng gốm Thanh Hà, đêm phố cổ Hội An và gần đây là Đêm hội Cù Lao Chàm được Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An triển khai thực hiện đã góp phần tích cực vào công tác giữ gìn và phát huy tốt nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài hiểu biết về tâm hồn và suy nghĩ của người Việt qua các biểu hiện văn hóa điển hình, quần chúng nhân dân cảm nhận được cái hay cái đẹp của văn hóa, truyền thống dân tộc và nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, từ đó nâng cao ý thức trân trọng, bảo tồn và tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa vô giá ấy.

Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, mỗi khi đến Hội An không bao giờ bỏ qua việc thưởng thức sản phẩm “Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20.”

Ban đầu sản phẩm này chỉ phục vụ vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, nay được phát triển ra nhiều ngày trong tuần. Đây được đánh giá là một sự kiện văn hóa độc đáo, hiện tượng văn hóa khác biệt ở Hội An, đã phục hiện lại một nét sinh hoạt văn hóa ,nghệ thuật, ẩm thực xưa của người Hội An.

Đêm phố cổ Hội An thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân Hội An cũng như du khách trong nước và quốc tế. Nhiều hãng lữ hành trong nước và quốc tế đã thiết kế chương trình này vào tour tham quan của mình.

Theo thống kê của Phòng Thương mại - Du lịch HộiAn, những “Đêm phố cổ” lượng khách lưu trú trên địa bàn thành phố tăng đột biến lên đến 263% so với bình quân các ngày trong tháng.

Tiếp theo thành công của “Đêm phố cổ Hội An,” sản phẩm “Phố đi bộ và hướng dẫn tham quan ban đêm” từ hoạt động thử nghiệm 1 ngày/tuần vào năm 2004, đến nay đã thực hiện 7 ngày, đêm/tuần với cảnh quan phố cổ yên tĩnh, ánh sáng lung linh từ các lồng đèn trang trí, âm thanh dịu dàng bởi tiếng nhạc cổ điển trên các trục đường cùng với các điểm sinh hoạt nghệ thuật đường phố như dạy hát dân ca, dạy hát nhạc thính phòng, trình tấu nhạc cụ dân tộc, đàn piano, biểu diễn hát bội, trò chơi bài chòi, trò chơi đập nồi là những sản phẩm du lịch mới có sức thu hút lớn đối với du khách trong thời gian qua.

Nếu như sản phẩm “Đêm phố cổ Hội An” hay “Phố đi bộ và hướng dẫn tham quan ban đêm” là sản phẩm độc đáo được Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An làm mềm lòng du khách khi đến Di sản văn hóa thế giới này thì thành công của chương trình biểu diễn ca múa, nhạc cổ truyền, bài chòi, hát bội… còn làm rạng danh văn hóa Việt ở những quốc gia mời Nhà Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền thuộc Trung tâm thường xuyên sang giao lưu, biểu diễn như Lễ hội ánh sáng Italy (2011), Ngày hội nhân dân và Lễ hội thành Doksan-Osan, Hàn Quốc (2012, 2014), Lễ hội đèn lồng - Cộng hòa Liên bang Đức (2013), Hungary (2014), Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 12 tại thành phố Sakai, Nhật Bản (2014)...

Các hoạt động giao lưu đã góp phần rất lớn cho việc quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân gian, quảng bá hình ảnh điểm đến Hội An, Quảng Nam với bè bạn trong nước và quốc tế.

Sẽ thiếu sót lớn nếu nói Hội An là một trong 50 thành phố trên thế giới mà bạn phải đến trong đời mà không nhắc đến những ánh đèn lung linh huyền ảo trên khắp các tuyến phố cổ Hội An. Khách du lịch nhiều người cho rằng đèn lồng chính là hồn vía, cốt cách, là tâm hồn của Hội An. Phố cổ Hội An có thể không có ánh đèn công nghiệp nhưng không thể thiếu ánh đèn lồng. Chính vì ý thức được giá trị của những chiếc đèn lồng nên Lễ thắp đèn, rước đèn, thả đèn, Hội đèn lồng định kỳ hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán...đã thực sự hấp dẫn du khách.

Nghề làm lồng đèn đã trở thành nghề truyền thống với hơn 3.500 lao động tại gần 50 cơ sở sản xuất, buôn bán tham gia các khâu trong việc chế tác, sản xuất lồng đèn. Sản phẩm này đã có thể xuất khẩu tại chỗ qua hình thức hàng lưu niệm và cũng đã được chính thức xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương.

Việc xây dựng các lễ hội lồng đèn, xây dựng Làng gốm Thanh Hà trở thành sản phẩm du lịch không những đã "cứu" những làng nghề truyền thống này không bị mai một thất truyền, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương mà còn mở ra hướng du lịch mới đầy tiềm năng và triển vọng của thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung là du lịch làng nghề truyền thống.

Giữ vai trò đầu tàu của Hội An trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển đảo bền vững, là cầu nối để thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam giới thiệu bản sắc văn hóa của mình với bạn bè trong nước và quốc tế nhưng ông Võ Phùng, Gíam đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An khiêm nhường nhận rằng nỗ lực của gần 200 cán bộ, công nhân viên của đơn vị cũng chỉ nhằm góp phần kết nối hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Di sản với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Theo ĐOÀN HỮU TRUNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/quang-nam-ket-noi-giua-bao-ton-phat-trien-de-lam-nen-ky-tich/339622.vnp

 

Tệp đính kèm