Cập nhật: 10/09/2015 09:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy (UNINSHIP) thuộc Trường đại học Nha Trang cho biết, nhiều ngư dân đang liên hệ, tìm hiểu và đặt hàng cho đơn vị này đóng mới tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ bằng chất liệu composite. 

Chiếc tàu cá vỏ composite của ngư dân Khánh Hòa. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Sau khi ký kết hợp đồng, đơn vị đưa vào kế hoạch thiết kế và thi công 8 chiếc tàu cho ngư dân các tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong số tàu nói trên, 6 tàu kích thước lớn và máy tàu đạt công suất từ 800Hp trở lên, 2 tàu còn lại công suất máy 400Hp và 500Hp, được thiết kế với các nghề chuyên biệt, như vây mạn, mành chụp, câu cá ngừ đại dương và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trước đó, trong tháng Sáu, UNINSHIP đã đóng hoàn thiện và bàn giao chiếc tàu vỏ composite đầu tiên trong cả nước khi thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho ngư dân Dương Văn Quang ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, với danh sách 16 tàu của ngư dân Khánh Hòa được phê duyệt vay vốn để đóng mới theo chương trình trên, có 6 chủ tàu lựa chọn và đăng ký đóng tàu bằng vật liệu composite.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xét về mặt kinh tế, tàu vỏ composite có giá thành rẻ hơn nhiều so với tàu sắt.

Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, tàu vỏ composite có độ bền cao hơn tàu gỗ. Trong thời gian hoạt động không tốn chi phí làm vệ sinh vỏ thân tàu như tàu sắt và gỗ.

Việc giảm độ ồn, độ rung, chịu va đập tốt và vượt trội về tốc độ, hạn chế tình trạng khai thác gỗ tự nhiên để đóng tàu là những ưu điểm để ngư dân lựa chọn đóng mới tàu bằng chất liệu này./.

Theo TIÊN MINH (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nhieu-ngu-dan-lua-chon-dong-tau-bang-chat-lieu-composite/342710.vnp

 

Tệp đính kèm