Cập nhật: 15/09/2015 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Thừa Thiên - Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng cơ sở mới của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế ở thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế.

Lễ khởi công Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. (Nguồn: hocvienpghue.edu.vn)

Học viện có diện tích xây dựng gần 5ha với tổng kinh phí 470 tỷ đồng; trong đó tập đoàn Vingroup tài trợ 200 tỷ đồng, phần còn lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Huế huy động từ đóng góp công đức của tăng ni, Phật tử cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Các hạng mục chính của Học viện bao gồm Trung tâm văn hóa, Trung tâm giáo dục - đào tạo, Trung tâm điều hành, Trung tâm công nghệ thông tin - thư viện, các giảng đường, hội trường, nơi ăn, ở cho các học viên.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Học viện sẽ phục vụ chương trình giáo dục đào tạo đại học và sau đại học, trở thành Trung tâm đào tạo Phật học cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế được thành lập năm 1997. Từ đó đến nay, Học viện đóng tại cơ sở cũ ở số 109 đường Minh Mạng với diện tích và quy mô hạ tầng vừa phải, không còn đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

Cùng ngày, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế tổ chức tọa đàm "Di sản mộc bản Phật giáo Huế." Triển lãm nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của hệ thống tư liệu quý này bởi mộc bản kinh Phật không chỉ là di sản văn hóa - tâm linh mà còn là tư liệu có giá trị, là bộ phận không thể tách rời trong dòng chảy của văn hóa Huế và Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, mộc bản Phật giáo Huế là di sản tư liệu hết sức có giá trị, cung cấp nhiều thông tin giá trị, bổ ích cho công tác nghiên cứu liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ học, thư pháp, mỹ thuật về tình hình sinh hoạt và đời sống tinh thần - xã hội của xứ Huế qua các thời kỳ lịch sử kể từ thời các chúa Nguyễn cho đến những thập niên cuối của thế kỷ 20...

Trong khảo sát mới đây của Trung tâm Văn hóa Liễu Quán Huế, tại 13 chùa và họ tộc còn lưu giữ mộc bản Phật giáo Huế, hiện có 2933 ván khắc các loại; trong đó số lượng lớn nhất là ở chùa Từ Đàm với trên 1.300 mặt khắc. Khảo sát cũng cho thấy ván khắc có niên đại sớm nhất là kinh Kim Cang năm 1698. Bản khắc có niên đại muộn nhất là năm 1980./.

Theo QUỐC VIỆT (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/khoi-cong-xay-dung-hoc-vien-phat-giao-viet-nam-tai-hue/343581.vnp

Tệp đính kèm