Cập nhật: 25/09/2015 09:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ ngày 10/10/2015, tiêu chuẩn sức khỏe mới cho người lái xe bỏ quy định về cân nặng, thể lực, chiều cao, vòng ngực.

Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ cho người lái xe

Thông tư quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô (sau đây gọi tắt là khám sức khỏe cho người lái xe) và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Thông tư áp dụng đối với người lái xe, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2015. Các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 4132/QĐ-BYT ngày 4/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau không đủ điều kiện lái xe

Theo quy định, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.

Cụ thể, với người lái xe hạng A1 bị một trong các dị tật như: Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: Đỏ, vàng, xanh lá cây; thị lực nhìn xa hai mắt dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính), còn một mắt, thị lực dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính); Cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)...

Người lái xe hạng B1 có dị tật cũng không được điều khiển xe. Đồng thời quy định những người có một trong các dị tật sau không được điều khiển xe: Rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; rối loạn tâm thần mạn tính; Thị lực nhìn xa từng mắt: mắt tốt <8/10 hoặc mắt kém <5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của người lái xe là phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe…

Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo với các cơ quan trực thuộc cũng như đề nghị với các cơ quan chức năng khác cùng vào cuộc để ngăn chặn, kiểm tra sát sao việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe khống, đồng thời yêu cầu cơ sở khám-chữa bệnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đúng quy trình.

Thông tư bỏ quy định về cân nặng, thể lực, chiều cao, vòng ngực...

Theo tiêu chuẩn sức khỏe mới cho người lái xe đã bỏ quy định về cân nặng, thể lực, chiều cao, vòng ngực. Các tiêu chuẩn mới về sức khỏe được chia theo các chuyên khoa gồm tâm thần, thần kinh, mắt, tai - mũi - họng, cơ - xương - khớp, hô hấp, thuốc và các chất hướng thần khác...

Tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe cũng chia theo 3 nhóm: hạng A1 (xe máy 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 đến dưới 175cm3); hạng B1 (ôtô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn); hạng lái xe A2, A3, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE...

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện việc khám sức khỏe cho người lái xe trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện khám sức khỏe cho người lái xe đến hết ngày 31/12/2015.

Kể từ ngày 1/1/2016, các cơ sở này nếu muốn tiếp tục thực hiện việc khám sức khỏe cho người lái xe phải đáp ứng các quy định tại Điều 6 Thông tư này và báo cáo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền quản lý tương ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 14/2013/TT-BYT về việc đã bổ sung nhân lực, trang thiết bị và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định./.

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm