Tập huấn, đào tạo xây dựng và triển khai kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh là nội dung của hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức trong hai ngày 29-30/10, tại thành phố Hạ Long.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn. (Nguồn: quangninh.gov.vn)
Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Hội nghị là cơ hội để các địa phương chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm để triển khai xây dựng, áp dụng kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh phát triển chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Xây dựng chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ Chính phủ nào.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển chính phủ điện tử nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn tồn tại 4 hạn chế, đó là các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chủ yếu ở quy mô nhỏ, sử dụng nội bộ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cung cấp cho người dân và doanh nghiệp còn chưa nhiều. Các hệ thống thông tin quy mô lớn, các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử chậm được triển khai, các hệ thống đã được xây dựng còn thiếu kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin; việc đầu tư công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ, nhiều khi có sự trùng lặp giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cấp.
Chính vì vậy, việc xây dựng Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương là cần thiết, nhằm tăng khả năng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trên quy mô rộng; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, một cửa; giảm đầu tư trùng lặp.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, tăng cường khả năng giám sát, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước; từng bước nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế.
Riêng với Quảng Ninh, tỉnh luôn coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xác định đây là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện được mục tiêu xây dựng môi trường bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, hiện đại giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Qua hơn hai năm triển khai xây dựng chính quyền điện tử và Trung tâm Hành chính công, các cấp, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, thể hiện quyết tâm thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, được dư luận và nhân dân đánh giá cao.
Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của chính quyền điện tử ngày càng được nâng cao. Công tác truyền thông chính quyền điện tử và đào tạo, tập huấn công dân điện tử được khẩn trương triển khai.
Các địa phương được phê duyệt đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh triển khai xây dựng Trung tâm Hành chính công. Trung tâm bước đầu đi vào hoạt động đã tạo được niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp trong công tác cải cách thủ tục hành chính./.
Theo NGUYỄN HOÀNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-va-trien-khai-kien-truc-chinh-quyen-dien-tu-cap-tinh/352219.vnp