Các nhà sản xuất hy vọng chiếc máy bay có thể cạnh tranh được với các loại nằm cùng phân khúc như Boeing 737 hay A320 của Airbus.
Chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn C919 đầu
tiên do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: CCTV
Mới đây, tại Trung tâm chế tạo máy bay Phố Đông (Thượng Hải), Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) đã tổ chức lễ ra mắt máy bay dân dụng C919 do nước này nghiên cứu, chế tạo.
"Hoàn thành chiếc C919 là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành sản xuất máy bay Trung Quốc", ông Jin Zhuanglong, Chủ tịch COMAC cho biết.
C919 được giới thiệu là loại máy bay dân dụng cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, có tầm bay tối đa 5.555 km với thiết kế 168 chỗ ngồi.
C919 sử dụng động cơ LEAP-1C của hãng CFM, một công ty liên doanh của Pháp và Mỹ chuyên cung cấp các loại động cơ cho máy bay.
Nhà sản xuất cũng cho biết, để nghiên cứu và chế tạo thành công máy bay C919, Trung Quốc đã phải huy động tới 200 nhà máy sản xuất, 36 trung tâm nghiên cứu với gần 100.000 công nhân thuộc 22 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó có gần 60 công ty chuyên cung cấp vật liệu và các loại linh kiện. Tuy nhiên, chi phí để chế tạo chiếc máy bay này vẫn chưa được tiết lộ.
Theo kế hoạch, C919 sẽ được tiến hành bay thử vào đầu năm 2016. Hiện đơn đặt hàng cho C919 đã lên tới 517 chiếc, chủ yếu đến từ các hãng hàng không dân dụng của Trung Quốc. Ngoài ra, với nhóm khách hàng nước ngoài, hãng City Airways của Thái Lan đặt tới 10 chiếc.
Trung Quốc đã từng chế tạo thành công một số loại máy bay dân dụng nhưng sức chứa tối đa chỉ lên tới 90 chỗ ngồi (loại ARJ-21), vậy nên việc chế tạo thành công C919 được xem là bước tiến lớn của ngành chế tạo máy bay dân dụng nước này.
Các nhà sản xuất cũng hy vọng C919 có thể cạnh tranh được với các loại máy bay nằm cùng phân khúc như Boeing 737 hay A320 của Airbus.
Hoàng Lâm
Theo chinhphu.vn