Cập nhật: 12/11/2015 13:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình: Không đặt vấn đề tốn kém đối với mọi nỗ lực để làm sáng tỏ vụ án, bảo vệ tốt hơn quyền con người.

Ghi âm, ghi hình được xem là một quy định mới mang tính đột phá, làm

tăng tính minh bạch trong hoạt động điều tra (Ảnh minh họa: Vinh Quang)

Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, ngoài việc phải lập biên bản như hiện nay, Dự thảo Dự thảo Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Đây là một là một quy định mới mang tính đột phá, làm tăng tính minh bạch trong hoạt động điều tra. Đồng thời, đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.

Hướng tới xây dựng một nền tư pháp dân chủ, nghiêm minh, tôn trọng quyền con người, bên cạnh các quy định về quyền của bị can, bị cáo; quy định thời hạn tạm giam; quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng, thủ tục trình tự phiên tòa…. Dự thảo Luật Tố tụng Hình sự sửa đổi lần này cũng đưa ra quy định: buộc phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và người dân thì những quy định đó là cần thiết vừa bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung. Ông Huỳnh Ngọc Ánh – Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành Hồ Chí Minh cho rằng: “Quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can tại Điều 119 để tránh những trường hợp ép cung, nhục hình đã xảy ra thời gian gần đây hết sức nghiêm trọng. Bị can, bị cáo cũng không thể đổ thừa cho cơ quan điều tra về bức cung, nhục hình để phản cung chạy tội, bảo đảm cho tính khách quan, trung thực của cơ quan điều tra”.

Còn bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cũng khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự lần này không chỉ hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi nhằm đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác và ngăn ngừa oan sai mà còn đảm bảo thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong quá trình tố tụng. Bởi vậy, việc ghi âm, ghi hình, hỏi cung bị can buộc phải thực hiện đối với mọi trường hợp hỏi cung tại trụ sở cơ quan điều tra. Trường hợp không thể ghi âm ghi hình được thì phải có sự chứng kiến của luật sư và sự giám sát của đại diện Viện Kiểm sát.

Bà Lê Thị Thu Ba cũng đề nghị bổ sung trong dự thảo luật trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải có mặt của luật sư nếu vụ án đó có luật sư tham, gia nếu không thì phải có mặt kiểm sát viên.Tất nhiên phải lập biên bản trong đó ghi rõ lý do không thể ghi âm, ghi hình được.

Quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình các buổi hỏi cung không những nhận được sự đồng tình cao của các chuyên gia pháp lý, mà ngay cả những người dân chưa thật sự hiểu nhiều về pháp luật cũng biểu lộ niềm vui và lòng tin vào quy định mới này. Ông  Trần Đức Lâm, công dân trú tại 187 Nguyễn Xiển - Hà Nội bày tỏ: Dự thảo Luật Tố tụng hình sự sửa đổi có quy định bắt buộc phải ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung là rất tốt. “Có thêm người thứ hai, thứ ba giám sát hoạt động hỏi cung, rồi có camera ghi hình, ghi âm cuộc hỏi cung thì tốt quá, người dân tin tưởng hơn”.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến dù thừa nhận tính tiến bộ và tác dụng của việc ghi âm, ghi hình nhưng họ cho rằng quy định mọi trường hợp hỏi cung đều phải ghi âm, ghi hình là chưa hợp lý, thiếu tính khả thi bởi rất tốn kém về nguồn lực kinh tế. Luồng ý kiến này đã không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia pháp lý và người dân.

Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Tố tụng hình sự sửa đổi khẳng định: Quy định này ngoài ý nghĩa tăng cường sự minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động hỏi cung, còn là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật. Để hướng tới sự minh bạch dân chủ, công khai, đảm bảo bảo vệ tốt hơn quyền con người, dù có tốn kém bao nhiêu cũng phải làm.

“Quá trình tố tụng là quá trình đi tìm sự thật của vụ án, là quá trình đảm bảo cho mọi tội phạm phải được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Mọi nỗ lực để làm sáng tỏ vụ án, bảo vệ tốt hơn quyền con người thì không đặt vấn đề tốn kém. Có tốn kém bao nhiêu chúng ta cũng phải làm”, ông Bình nhấn mạnh.

Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can là rất quan trọng, vừa đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan điều tra, lại vừa đảm bảo việc chống bức cung nhục hình hoặc mớm cung trong việc xử lý tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh pòng chống tội và bảo vệ được quyền con người một cách tốt hơn thì không có lý do gì phải tránh quy định “bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình”. Có thể có những khó khăn, tốn kém, nhưng chúng ta cần phải bố trí kinh phí, nguồn nhân lực để thực hiện tốt việc này. Bởi vì tính mạng, nhân phẩm của con người là quan trọng, cần được bảo vệ một cách tối đa./.

Theo Tiến Anh/VOV1.VOV.VN

Tệp đính kèm