Li-Fi, một công nghệ kết nối Internet siêu nhanh thay thế công nghệ Wi-Fi (truyền Internet qua sóng radio), cuối cùng đã được đưa ra khỏi phòng thí nghiệm đến thế giới thực sau khi một công ty khởi nghiệp của Estonian triển khai công nghệ này cho mục đích thương mại.
Velmenni, công ty khởi nghiệp gần đây lọt vào vòng chung kết cuộc thi các doanh nghiệp khởi nghiệp Slush 100 ở Helsinki, đã tiết lộ rằng họ có kế hoạch thử nghiệm công nghệ trên trong môi trường văn phòng, khu công nghiệp ở thủ đô Tallinn của Estonia.
Công nghệ Li-Fi được Velmenni sử dụng trong chương trình thí điểm sắp tới có thể gửi dữ liệu với tốc độ lên tới 1GBps - tức là nhanh gấp 100 lần công nghệ Wi-Fi phổ biến. Ở tốc độ kết nối siêu nhanh này, một bộ phim độ nét cao chuẩn HD, có thể được tải xuống chỉ trong vài giây, điều tưởng như viễn tưởng với các công nghệ Internet không dây hiện nay.
Vậy Li-Fi có gì khác với Wi-Fi?
Cùng là một công nghệ không dây tương tự như Wi-Fi, nhưng Li-Fi cho phép dữ liệu được gửi ở tốc độ cao bằng cách sử dụng giao tiếp ánh sáng nhìn thấy (VLC) thay vì dùng sóng radio như của Wi-Fi.
Công nghệ truyền tải dữ liệu Internet này được phát minh bởi giáo sư Harald Haas của Đại học Edinburgh.
Lợi thế của Li-Fi so với Wi-Fi là gì?
Li-Fi cho phép bảo mật cao hơn Wi-Fi trên các mạng khu vực do ánh sáng không thể đi xuyên qua tường, tức sẽ có ít can nhiễu sóng giữa các thiết bị.
Lợi thế quan trọng nhất mà Li-Fi mang lại là tốc độ gửi - nhận dữ liệu Internet. Các nhà nghiên cứu đã đạt được tốc độ truyền dữ liệu 224 gigabit mỗi giây trong điều kiện phòng thí nghiệm.
"Chúng tôi đang làm một số dự án thí điểm trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, nơi chúng tôi có thể sử dụng công nghệ VLC (Công nghệ giao thức ánh sáng có thể nhìn thấy)," Deepak Solanki, Giám đốc điều hành của Velmenni, nói với tờ IBTimes của Anh. "Hiện nay chúng tôi đã thiết kế một giải pháp chiếu sáng thông minh cho một môi trường công nghiệp, nơi việc truyền dữ liệu được thực hiện thông qua ánh sáng. Chúng tôi cũng đang làm một dự án thí điểm với một khách hàng tư nhân, nơi chúng tôi đang thiết lập một mạng Li-Fi để truy cập internet trong không gian văn phòng của họ. "
Trong khi Li-Fi có thể không hoàn toàn thay thế Wi-Fi, công nghệ có thể được sử dụng song song để tạo ra các mạng hiệu quả hơn thì sự thành công của các dự án thí điểm của Velmenni có thể hứa hẹn đưa công nghệ Li-Fi tới người tiêu dùng trong vòng 3-4 năm tới.
Theo ông Solanki, Li-Fi cho phép người dùng truy cập Internet bằng cách sử dụng bóng đèn sáng trong nhà của họ.
Li-Fi hoàn toàn có thể sớm được phổ biến
Một trong những vấn đề khó khăn thường gặp phải với bất kỳ công nghệ mới khi được đưa vào thực tế đó việc chuẩn bị các hạ tầng đáp ứng công nghệ.
Giám đốc của Velmenni thừa nhận sẽ rất khó khăn khi phải triển khai một hạ tầng hoàn toàn mới để đáp ứng công nghệ Li-Fi. Tuy nhiên, theo ông Solanki, để khắc phục khó khăn trên thì giải pháp tích hợp công nghệ trên với các hạ tầng sẵn có là một giải pháp khả thi.
Nhà phát minh Li-Fi, giáo sư Harald Haas của Đại học Edinburgh, trước đó đã tuyên bố rằng trong tương lai tất cả các bóng đèn LED có thể được sử dụng như một sự thay thế nhanh chóng Wi-Fi.
Trong một cuộc nói chuyện mô tả công nghệ trên, ông Haas nói rằng cơ sở hạ tầng hiện nay là phù hợp với sự hội nhập của Li-Fi.
"Tất cả chúng ta cần phải làm là kết hợp một vi mạch nhỏ vào các thiết bị chiếu sáng và sau đó, điều này sẽ mang đến sự kết hợp tiềm năng hai chức năng cơ bản: chiếu sáng và truyền tải dữ liệu không dây," ông Haas nói. "Trong tương lai chúng ta sẽ không chỉ có 14 tỷ bóng đèn, chúng ta có thể có 14 tỷ thiết bị Li-Fi triển khai trên toàn thế giới cho một tương lai sạch hơn, xanh hơn và tươi sáng hơn"./.
Theo VIỆT ĐỨC (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/lifi-cong-nghe-ket-noi-internet-nhanh-gap-100-lan-wifi/358047.vnp