Cập nhật: 03/12/2015 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thành lập năm 2012, song tới 2015, Trung tâm nghiên cứu phát triển điện thoại di động của Samsung Việt Nam (SVMC) đã khẳng định vị trí là một trong ba trung tâm phụ trách sản phẩm thương mại hóa hàng đầu trên toàn cầu của hãng công nghệ đến từ Hàn Quốc. Đáng chú ý, sự đóng góp này có công sức vô cùng lớn từ các khối óc, trí tuệ Việt.

S Pen, một trong những dự án khó khăn của Samsung

được các kỹ sư người Việt vượt qua xuất sắc. (Nguồn: CNET)

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Hu Chang Wan, Phó Tổng Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam cho hay, SVMC là trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của hãng trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 25 trung tâm chuyên thực hiện nghiên cứu về mảng điện thoại của Samsung trên toàn cầu.

Nếu như ở thời điểm cuối năm 2012, nhân lực của SVMC là gần 300 người thì tới thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên 1.500 người. Trong số này, chỉ có 5 người Hàn Quốc và số còn lại là chuyên gia, kỹ sư người Việt.

Nhận định về trình độ của các chuyên gia Việt đóng góp cho Samsung, ông Hu Chang Wan thừa nhận, các nhân viên, kỹ sư người Việt có khả năng làm việc vượt trội và luôn nỗ lực đưa ra các sản phẩm có khả năng thương mại hóa trên thị trường.

Chỉ trong vài năm qua, SVMC đã làm chủ công nghệ, tham gia thiết kế các ứng dụng cho S Pen (bút cảm ứng) từ năm 2013 cùng các kỹ sư của Samsung trên toàn cầu, tham gia đóng góp 70-80% quá trình phát triển và mở rộng các tính năng của ứng dụng Smart Switch và Side Sync giúp đồng bộ dữ liệu người dùng từ điện thoại sang điện thoại và đồng bộ giữa điện thoại và máy tính, Photo Edior…

Kể về S Pen, anh Phạm Minh Ngọc, trưởng bộ phận này cho hay, một trong những thách thức của nhóm khi tham gia vào dự án là tốc độ xử lý. Bởi lẽ, các dòng máy của Samsung luôn được nâng cấp độ phân giải màn hình liên tục và đồng nghĩa với việc độ mịn của nét bút phải tăng và tốc độ xử lý của bút cũng phải tăng theo. Bên cạnh đó, việc làm sao cho nét vẽ giống với bút thực cũng tiêu tốn không ít thời gian của các kỹ sư người Việt.

“Ngày đó, chúng tôi còn làm việc tại Bắc Ninh. Trong bốn tháng trời tham gia dự án, anh em hầu hết là sinh viên mới ra trường miệt mài làm việc, phải ngủ lại công ty thường xuyên vì làm việc tới đêm,” Ngọc nhớ lại.

Hiện tại, theo thống kê của Samsung, 10% thị phần smartphone và máy tính bảng bán ra trên toàn cầu có sự tham gia và phát triển của đội ngũ SVMC. Sau vài năm thành lập, SVMC đã tham gia thực hiện 360 dự án, trong đó có 40 giải pháp toàn cầu cùng tham gia với các nước, số còn lại là các dự án phần mềm thương mại do kỹ sư của SVMC làm chủ.

Bên cạnh đó, SVMC dũng chịu trách nhiệm cung cấp phần mềm cho các sản phẩm điện thoại của hãng và các nhà cung cấp dịch vụ mạng 4G/LTE tại khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand.

Từ một đơn vị non trẻ, song với sự say mê tìm tòi của trí tuệ Việt, hiện SVMC thường xuyên đón nhân viên từ các trung tâm khác thuộc Samsung tới học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

Theo ông Hu Chang Wan, đơn vị này tiếp tục được đầu tư phát triển và tới năm 2018 dự kiến sẽ có 2.600 chuyên gia, kỹ sư làm việc với mục tiêu đưa SVMC trở thành đơn vị tạo ra các sản phẩm lõi, đem lại giá trị cao hơn nữa cho người sử dụng cũng như thực hiện cam kết chuyển giao công nghệ cho người Việt./.

Theo YÊN THỦY (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/he-lo-ve-cac-chuyen-gia-viet-trong-trung-tam-nghien-cuu-samsung/358445.vnp

Tệp đính kèm