Giáo sư Philippines: chính sách “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đang làm giảm sút vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an ninh khu vực
Xói mòn lòng tin giữa các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt giữa Trung Quốc với các nước khác đang và sẽ hủy hoại tương lai của cả khu vực. Mỗi nước cần có quyết tâm thực hiện các biện pháp tổng hợp nhằm ngăn chặn sự xói mòn đó để xây dựng lòng tin giữa các quốc gia.
Đây là ý kiến của được nhiều chuyên gia đưa ra tại cuộc Hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở Châu Á” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, trong đó có các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế đến từ Nhật Bản, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thống nhất quan điểm rằng các hoạt động đơn phương gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là việc cải tạo đất xây đảo nhân tạo quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang khiến lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với Trung Quốc bị xói mòn nghiêm trọng.
Tiến sĩ William Choong, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore cho rằng các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông tạo ra một hiểm họa hiện hữu đối với các nước ASEAN và vai trò chủ chốt của ASEAN trong các vấn đề khu vực.
Trung Quốc cũng không quan tâm đến sự kêu gọi của ASEAN về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, thể hiện qua sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc làm rõ các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông dựa theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
Sự thất bại của ASEAN trong việc thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử cũng như việc không đưa ra được tuyên bố chung trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 tại Campuchia là minh chứng cho chiến lược “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đối với ASEAN.
Theo giáo sư Renato Cruz De Castro thuộc Đại học De La Salle, Philippines, căng thẳng gia tăng trong việc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn trong khu vực, cùng chính sách “cắt lát xúc xích” của Trung Quốc đang làm giảm sút vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an ninh khu vực. Ông Renato cảnh báo các nước ASEAN có thể trở thành con rối của những nước lớn nếu không có biện pháp hữu hiệu.
Giáo sư Renato Cruz De Castro “Chính sách lát cắt xúc xích của Trung quốc” đang làm giảm sút vai trò của ASEAN.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm xây dựng lòng tin tại khu vực. Tiến sĩ Trần Quang Minh, Viện trưởng Viên nghiên cứu Đông Bắc Á khẳng định không ai có thể thay thế vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề an ninh của khu vực. Để làm được điều đó, điều quan trọng nhất là ASEAN cần phải đoàn kết để xây dựng thế cân bằng giữa các nước lớn.
Bà Mie Oba thuộc Đại học Khoa học Tokyo khẳng định cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể quyết định được tất cả các vấn đề liên quan đến môi trường an ninh trong khu vực. Các nước ASEAN có đầy đủ kinh nghiệm để có thể tăng cường quan hệ với cả hai cường quốc này mà không cần phải lựa chọn đứng hẳn về bên nào.
Bà Oba nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc ASEAN phối hợp với các nước liên quan như Nhật Bản nỗ lực thuyết phục Trung Quốc tham gia vào các cơ chế xây dựng lòng tin. Các nước liên quan cũng cần thực hiện nhiều biện pháp trong đó có việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh chính trị cũng như trên các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chống cướp biển, cứu trợ thiên tai, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Đây là những điều kiện căn bản cho việc xây dựng lòng tin phổ quát cho những vấn đề đảm bảo an ninh trên biển.
Giáo sư Mie Oba cho rằng ASEAN cần phối hợp với các nước liên quan thuyết phục Trung Quốc tham gia vào các cơ chế xây dựng lòng tin.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh thuộc Bộ tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam cũng đề cập đến việc đối xử nhân đạo với ngư dân các nước như một biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam luôn quán triệt chính sách nhân đạo với ngư dân các nước thông qua các biện pháp nhắc nhở, giáo dục ngư dân nước ngoài đánh bắt trái phép trên vùng biển của Việt Nam.
Liên quan đến việc xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc, trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, giáo sư Shin Kawashima khẳng định Việt Nam không thể và không nên lựa chọn đứng về phía bên nào trong hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Ông Kawashima cho rằng Việt Nam đã cho thấy sự khôn ngoan của mình khi thể hiện sự rõ ràng giữa kiên quyết đấu tranh về chủ quyền và hợp tác về kinh tế với Trung Quốc. Theo ông, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc khá căng thẳng trong thời gian gần đây nhưng Việt Nam lại có nhiều lợi thế hơn các nước khác khi đối thoại với Trung Quốc
“Việt Nam có một vị thế đặc biệt. Giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 kênh tiếp xúc quan trọng giữa đảng, chính phủ và quân đội. Điều đó giúp Việt Nam có thể đối thoại với Trung Quốc dễ hơn rất nhiều các nước khác. Việt Nam cần tận dụng ưu thế này để xây dựng lòng tin với Trung Quốc” ông Kawashima nói. “Ngoài ra, bên cạnh quan hệ song phương với Trung Quốc, Việt Nam cũng nên tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước để các nước trên thế giới hiểu rõ lập trường của Việt Nam. Thêm nữa, bản thân Việt Nam cũng cần phát triển hơn nữa, trở thành một quốc gia hùng cường để có thể thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc. Theo tôi, đó là con đường tốt nhất cho Việt Nam”, ông Kawashima nhấn mạnh./.
Theo Hoàng Liên Sơn/VOV.VN