Mới đây, tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Ban Hoằng pháp Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - Hội tụ và lan tỏa."
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)
Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoằng pháp toàn quốc năm 2015 và tưởng niệm 707 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh từ năm 2008 đến nay đã có 3 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế về Phật hoàng Trần Nhân Tông, các danh tướng đời Trần và về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng như công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Yên Tử - kinh đô của Phật giáo Trúc Lâm.
Từ đây, nhiều vấn đề lớn về vai trò, vị trí của nhà Trần, vai trò của Phật giáo Trúc Lâm và phật giáo Trúc Lâm thời Trần cũng như thân thế, sự nghiệp của các danh tăng, các di tích gắn với Phật giáo Trúc Lâm về cơ bản đã được làm rõ.
Vì vậy, ở hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu, học giả sẽ tiếp cận vấn đề "Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - Hội tụ và lan tỏa" từ góc độ lịch sử tư tưởng Phật giáo và truyền bá của Phật giáo Việt Nam, luận giải thấu đáo hơn các vấn đề lớn mà các hội thảo trước chưa làm được.
Tham gia hội thảo, gần 40 bài viết đã tập trung vào 2 nội dung chính. Thứ nhất là về con đường hội tụ - nhất tông hóa Phật giáo Trúc Lâm (hợp nhất các dòng thiền), qua đó, lý giải, phân tích các vấn đề lớn về quá trình nhất tông hóa Phật giáo Việt Nam dưới thời Trần, vào thế kỷ 13 đã hội tụ về Yên Tử, đồng thời khẳng định quá trình này là do những tất yếu của quá trình vận động nội tại và những tác động khách quan của lịch sử và các tư tưởng, thể chế chính trị đương thời lúc bây giờ.
Thứ hai, là về tinh thần Hoằng pháp của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần và ngày nay, theo đó, phân tích những đặc điểm về nội dung, phương pháp truyền bá Phật pháp, cội nguồn tạo nên sức hấp dẫn vượt thời gian của Phật giáo Trúc Lâm.
Từ các nội dung này, các nhà nghiên cứu, học giả có thể rút ra được những kinh nghiệm để góp phần xây dựng tư tưởng, con người mới, nền văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng là xây dựng Phật giáo Việt Nam ngày càng trang nghiêm, tốt đẹp trong đời sống hôm nay./.
Theo VĂN ĐỨC (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hoi-thao-khoa-hoc-phat-giao-truc-lam-yen-tuhoi-tu-va-lan-toa/360159.vnp