Chỉ bổ sung dự toán chi ngân sách cho các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách nhà nước để cải cách tiền lương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày dự thảo nghị quyết
Đây là một trong các nội dung được Chính phủ đưa ra thảo luận tại dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày.
Nghị quyết này nhấn mạnh các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 21%; số giường bệnh trên một vạn dân là 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 85%; tỷ lệ che phủ rừng là 41%.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa; cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm chi đầu tư tăng nhanh hơn chi thường xuyên.
Hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý chi ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương, chỉ bổ sung dự toán chi ngân sách trung ương cho địa phương để thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp trong năm 2016 cho các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Tăng cường bảo đảm kỷ luật, kỷ cương tài chính; các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo dự toán. Bảo đảm bội chi NSNN theo đúng nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời có biện pháp tích cực để phấn đấu giảm bội chi. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Quản lý chặt việc chi chuyển nguồn; chi thường xuyên chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo dõi các diễn biến và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2016 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn so với giá dự toán.
Triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công.
Đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm; đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.
Theo dõi, rà soát tình hình, tiến độ giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách nhà nước (ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) trong trường hợp cần thiết.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ quy định, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện.
Cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền. Áp dụng phổ biến hình thức hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước mà không có nguồn đảm bảo.
Tổ chức tốt việc phục vụ bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần triệt để tiết kiệm.
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao, tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương theo nghị quyết của Quốc hội. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN