Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận, với các FTA, ngành hàng hải sẽ có cơ hội phát triển bởi 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đều qua đường biển. Nhưng bên cạnh đó là không ít thách thức.
Năm 2015, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 118,7 triệu tấn, tăng 9,5% so với năm 2014.
Vận tải nội địa gặp khó
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đội tàu biển trong nước chỉ đảm đương 10-12% thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất, nhập khẩu qua đường biển.
Hiện có hơn 80% đội tàu biển đăng ký hoạt động tuyến quốc tế của Việt Nam chỉ hoạt động trên các tuyến gần. Đội tàu container hầu hết mới chỉ hoạt động vận tải nội địa và trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan. Đội tàu dầu chủ yếu vận chuyển xăng dầu nhập khẩu từ Singapore, Malaysia và Trung Đông.
Với hoạt động vận tải biển nội địa, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã cơ bản đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Tuy nhiên, vận tải biển nội địa vẫn khó khăn do giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa 2 chiều Bắc - Nam.
Chi phí logistics cao
Về hoạt động logistics, hiện Việt Nam có trên 1.200 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mức tăng trưởng bình quân hằng năm 20-25%. Theo xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48/155.
Nguyên nhân của việc thứ hạng thấp như vậy, theo lãnh đạo Cục Hàng hải, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng hầu hết là quy mô rất nhỏ, vốn đăng ký dưới 1 tỉ đồng. Cơ cấu tổ chức đơn giản, thiếu chuyên sâu, chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa, còn chủ yếu thực hiện dịch vụ cho các công ty nước ngoài.
Trả lời về việc với mặt bằng logistics như vậy trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào quốc tế liệu có thu hút được các nhà đầu tư hay không, ông Sang cho biết, ngay khi Việt Nam kết thúc đàm phán và chuẩn bị ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đại diện Cục Hàng hải trong đoàn đàm phán của Chính phủ đã tích cực đàm phán các nội dung liên quan đến dịch vụ vận tải biển và hỗ trợ vận tải biển.
Ông Trần Bình Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, hiện 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam thông qua vận tải biển. Trong khi đó, hạn chế lớn nhất của ngành logistics nước ta là chi phí cao, tương đương khoảng 21% GDP. Chất lượng cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, giá dịch vụ còn cao do đó hạn chế tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ.
Cần đẩy mạnh hoạt động theo hướng hội nhập
Ông Trần Bình Phú cho rằng, trong thời gian tới, Cục Hàng hải cần hướng dẫn, phổ biến các nội dung liên quan đến thương mại dịch vụ hàng hải về logistics trong các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó có nội dung cam kết về lộ trình thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ ASEAN thực hiện AEC, các cam kết về gói dịch vụ vận tải biển ASEAN.
Cục Hàng hải cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển trong việc giao nhận hàng hóa, phương tiện vận tải ra vào cảng lấy hàng và thủ tục một cửa và thông tin hàng hải. Có biện pháp quản lý Nhà nước tích cực hạn chế việc gia tăng giá dịch vụ cảng, chống ùn tắc tại cảng và quản lý Nhà nước hữu hiệu với các hoạt động của chủ tàu nước ngoài trong việc kinh doanh vận tải biển.
Lãnh đạo Cục Hàng hải cho biết, Bộ luật Hàng hải mới sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, theo đó lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải được điều chỉnh theo hướng ưu tiên phát triển vận tải biển; bảo hộ quyền vận tải biển nội địa cho đội tàu biển Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; khuyến khích phát triển logistics; xã hội hóa những dịch vụ hàng hải mà Nhà nước không cần trực tiếp thực hiện.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục tham mưu đàm phán hiệp định với Panama, Brunei; theo dõi việc ký kết Hiệp định với Brazil, Hiệp định đa phương ASEAN - Ấn Độ… để sẵn sàng cho hội nhập.
Phan Trang
Theo chinhphu.vn