Cập nhật: 07/01/2016 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ chưa được doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác một cách hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng

 hết mong muốn của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020.

Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 31% tổng số thu ngân sách và chiếm tỷ trọng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung; thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, trong 5 năm qua, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của doanh nghiệp. Nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung “khuyến khích”, thiếu sự liên kết giữa các bộ, ngành và một số địa phương chưa quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp này cũng thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu thông tin thị trường trong và ngoài nước…

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ chưa được doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác một cách hiệu quả.

“Chính sách ban hành rất nhiều nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như vẫn chỉ thấy đấy là hành lang, là khuôn khổ để mình có thể đi trên con đường đó một cách thuận lợi, nhưng liệu hành lang đó có phù hợp hay không lại là việc khác. Cần phải chuyển hóa tất cả những chính sách, nguồn lực, giải pháp thành những giải pháp thật cụ thể để doanh nghiệp có thể áp dụng, vận dụng được”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân cho biết.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dự báo trong giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ có thêm 450.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đưa số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm năm 2020 lên con số 750.000 đơn vị. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đáp ứng 50% nhu cầu việc làm của xã hội.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích để doanh nghiệp được thụ hưởng.

Theo ông Nam, tất cả chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đó tạo nên quy trình chuẩn và có trọng điểm. Các hiệp hội, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện các chính sách hỗ trợ, các địa phương cũng phải tham gia. Về mặt nguồn lực hỗ trợ, không nên hỗ trợ nhỏ giọt theo cách chia chặn từng năm, điều đó sẽ không tạo ra được sự biến chuyển.

“Chính sách phải phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không nên dập khuôn mà cần xây dựng chính sách, chương trình, dự án phải theo nhu cầu của doanh nghiệp, đặt vấn đề cầu của doanh nghiệp là trên hết, từ đó mới làm chính sách cho phù hợp”, ông Nam chỉ rõ./.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Tệp đính kèm