"Cuộc chiến" không cân sức giữa con người với thiên tai tiếp tục giằng co, mọi công sức vẫn như muối bỏ biển.
Đóng cọc cừ Larsen tại Cửa Đại, tỉnh Quảng Ngãi
Trong bài trước, phóng viên VOV đề cập thực trạng sạt lở, bồi lấp cửa sông, cửa biển ngày càng nghiêm trọng tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Các làng chài ven biển vào những ngày biển động, gió mới ở mức cấp 6, cấp 7 cũng đã cuốn trôi nhiều nhà cửa ra biển...
Hàng trăm tỉ đồng từ ngân sách nhà nước đổ xuống cứu nguy bờ biển theo phương án khẩn cấp, tạm thời như: đóng cọc tre, đắp bao cát, thậm chí xây dựng kè cứng bê tông, đá hộc, nạo vét khơi thông luồng lạch... Nhưng kè làm chưa xong đã bị sóng biển nhấn chìm hoặc đánh vỡ tan hoang.
Chưa có giải pháp nào hữu hiệu
Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, những giải pháp về phòng chống xói lở từ trước đến nay đều chưa bền vững. Tại tỉnh Phú Yên, 180 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu ở xóm Rớ, thành phố Tuy Hòa luôn đứng trước nguy cơ mất nhà do sạt lở. Hàng trăm tàu thuyền bị mắc kẹt do cửa biển Đà Diễn bị sóng biển đánh dịch chuyển khỏi vị trí cũ hơn 200m.
Đầu năm ngoái, UBND tỉnh Phú Yên ban bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở ven biển. Địa phương này cũng đã đầu tư 12 tỉ đồng thi công giai đoạn 1 Dự án kè mềm bằng việc đóng cọc tre, thả bao cát và đá hộc chặn sóng bảo vệ 690m bờ biển. Tuy nhiên, triều cường tiếp tục uy hiếp, đánh sập 170m đoạn kè vừa thi công xong. Chính quyền nơi đây phải huy động hàng trăm người dân, bộ đội, dân quân đến xóm Rớ giúp dân dùng cọc tre, bao cát đắp thành bờ bao dọc biển, bảo vệ khu dân cư.
Ông Lê Văn Trúc băn khoăn: “Chúng ta đã đưa ra một số giải pháp: kè bờ, đê chắn sóng, mỏ hàn, bồi cát và tổng hợp của các giải pháp đó. Trong đó nên khuyến cáo cho chúng tôi ở cửa biển Phú Yên dùng giải pháp nào, cửa Đại nên dùng giải pháp nào cho phù hợp, tiết kiệm, có thể làm được”.
Nhiều năm qua, các tỉnh ven biển miền Trung đã triển khai một số giải pháp chống sạt lở bờ biển nhưng chưa mấy hiệu quả. Tại cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế trước đây xây dựng 4 mỏ hàn đá, đến nay đa số đã bị nước biển đánh sập. Vào tháng 8/2007, tại cửa Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng loại mỏ hàn mềm theo công nghệ Stabinplage hay còn gọi là con lươn chắn cát, do công ty Espace Pur của Pháp thi công với kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Mỗi con lươn có chiều dài 50m, cao khoảng 1,5m, trong con lươn được bơm đầy cát. Khoảng cách giữa hai con lươn từ 20-30m, tác dụng cản sức đập của sóng vào bờ, không cho cát trôi theo các đợt sóng. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, con lươn chắn cát cũng bị sóng đánh tan theo bọt biển.
Tại khu vực bờ biển xã Tam Hải, huyện Núi Thành, dựa trên đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho nhập bao đựng cát loại đặc chủng từ Hà Lan về làm kè mềm. Cũng chỉ được vài năm, bao đựng cát bị mục nát, sóng đánh vỡ hoàn toàn, dự án hoàn toàn phá sản.
Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch HĐND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Phương pháp kè chống sạt để giữ đất lại bằng ống bằng vải của Hà Lan. 6 - 7 năm nay khi làm thí điểm giai đoạn 1 đã góp phần giữ một phần đất khi bị xói lở, sạt ra không trôi ra biển. Nhưng do chất liệu vải này sau thời gian bị mục và bị rách cho nên hiệu quả giảm dần”.
Vẫn là “sạt lở đâu, sửa đấy”
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bờ biển từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên có biên độ triều cường tăng dần từ Bắc vào Nam, mức độ sạt lở diễn ra nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng. Từ năm 2013 đến nay, đã có 164 đoạn ven biển bị sóng đánh sạt lở với chiều dài hơn 170km.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học thì biến đổi khí hậu chưa thật sự rõ ràng. Mà chính những tác động của con người đã làm cho thiên tai ngày càng dữ dội hơn. Đó là tình trạng xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện chặn nước từ thượng lưu đổ về hạ du khiến lượng bùn cát suy giảm.
Đó là, điều tiết nước không thường xuyên làm cho số lượng cát bồi lấp tại cửa sông không được đẩy trở lại với biển; khai thác cát trong lòng sông quá mức gây ra tình trạng sạt lở cửa sông, cửa biển; nạn chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn ồ ạt khiến lưu tốc dòng chảy của các sông miền Trung vốn đã ngắn, dốc lại càng khủng khiếp hơn... Lâu nay, giải pháp phòng chống sạt lở chưa thật sự bền vững, còn mang tính chắp vá.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thừa nhận: “Hiện nay chúng ta đang ở tình trạng xử lý kiểu sạt lở đâu, chữa đấy. Không những không bảo vệ được ngay chính vị trí của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến khu vực lân cận. Đây cũng một phần do kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của tư vấn. Bên cạnh đó thì do một phần là nguồn vốn còn rất hạn hẹp, chúng ta không thể tính toán căn cơ, lâu dài được”.
Theo GS. Lương Phương Hậu, chuyên gia về công trình biển thì việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật chống sạt lở cửa sông, cửa biển như lâu nay chủ yếu bằng phương pháp truyền thống, chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực.
Cho đến nay, nước ta vẫn thiếu bộ số liệu cơ bản về thủy, hải văn, bùn cát, bồi lở bờ biển để thiết kế công trình phòng chống sạt lở nên nhiều công trình chưa phát huy hiệu quả. Hơn 90% công trình kè mềm bị phá hủy chỉ sau 1-2 năm đưa vào sử dụng.
Ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Chúng ta không có số liệu quan trắc. Nếu không hành động bây giờ thì 3 năm nữa chúng ta không có số liệu gì cả. Bộ Nông nghiệp dành kinh phí đầu tư triển khai quan trắc, nghiên cứu đánh giá. Mời các giáo sư, mời tất cả các đơn vị tư vấn mạnh, thực hiện quan trắc, không phải chỉ cho mực nước mà cho những yếu tố về hải văn, đo sóng”.
Cần giải pháp căn cơ
GS.TS. Hitoshi Tanaka, nguyên Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn môi trường - vùng châu Á - Thái Bình Dương (IAHR-APD), hiện là Phó Chủ tịch Hội Xây dựng dân dụng Nhật Bản (JSCE) đã có nhiều năm nghiên cứu về tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, đô thị cổ Hội An và khu vực miền Trung.
Ông cho rằng, Việt Nam cần phải tiến hành ngay việc khảo sát địa hình, địa chất, thủy - hải văn. Đặc biệt, cần phải có các thiết bị đo đạc số liệu sóng, bùn cát; qua đó cung cấp số liệu tin cậy cho việc đề xuất những giải pháp khả thi. Theo GS.TS. Hitoshi Tanaka: “Xu thế hiện nay là sử dụng tổng hợp các giải pháp dựa vào hệ sinh thái để giảm sóng, ngăn cát bồi, thực hiện nuôi bãi biển nhân tạo. Xây dựng hệ thống kè cũng có những yếu tố tích cực, cũng có thể có yếu tố tiêu cực, ta phải cân nhắc kỹ. Kiến nghị của tôi là bổ sung lại lượng bùn cát và đặc biệt là giải pháp nuôi bãi, giải pháp mềm ở đây”.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, thời gian gần đây, việc phòng chống sạt lở bờ biển đã thực hiện các giải pháp dựa vào hệ sinh thái, đẩy mạnh trồng cây, phục hồi bãi bồi. Đây là cách làm tương đối mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Cũng theo ông Thắng, Bộ này đang vận động Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để triển khai dự án phòng chống thiên tai trên toàn quốc, trong đó đặc biệt ưu tiên khắc phục tình trạng sạt lở ở miền Trung. Đồng thời, cũng đề nghị tổ chức JICA (Nhật Bản) tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu sâu về phòng chống sạt lở.
Ông Hoàng Văn Thắng cho rằng, phải cấp bách bảo vệ bờ biển: “Phải đưa ngay vào quy hoạch hai đê biển đang chuẩn bị trình Chính phủ là phục hồi lại các bãi bồi, coi như thuộc quy hoạch đê biển. Lấy những giải pháp ấy là giải pháp cơ bản, giải pháp kè cứng hạn chế thôi. Đây sẽ là một vấn đề rất lớn nếu chúng ta không khắc phục được, không tìm được giải pháp thì sang năm sẽ nặng hơn và dần dần chúng ta không đủ nguồn lực quốc gia nữa”.
Chưa có con số thống kê chính thức về thiệt hại từ biển lở, làng trôi. Mỗi năm, có đến hàng nghìn hộ dân ven biển mất ăn, mất ngủ; hàng trăm hộ dân bị mất nhà; nhiều diện tích đất cuốn trôi ra biển là một thực tế xót xa, đáng lo ngại. Những giải pháp phòng, chống xói lở, xâm thực được triển khai, áp dụng.
Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu, tổng thể mà chỉ mang tính chắp vá, thiếu những giải pháp kỹ thuật bền vững. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đang là vấn đề cấp bách ở các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước ta nói chung./.
Theo Hà Minh - Hoài Nam/VOV.VN - Miền Trung