Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sĩ, vừa qua, nước chủ nhà đã công bố một nghiên cứu toàn cầu cảnh báo nguy cơ lượng rác thải nhựa sẽ lớn hơn lượng cá trên các đại dương vào năm 2050, trừ khi thế giới có hành động mạnh mẽ để tái chế loại phế liệu này.
Rạn san hô Great Barrier Reef của Australia ngày 2/10/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur của nữ vận động viên du thuyền cùng tên người Anh thực hiện, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải loại này sẽ vượt trên cả lượng cá trên các đại dương.
Bên cạnh đó, việc có hơn 95% túi nilon bị vứt bỏ sau một lần sử dụng cũng khiến nền kinh tế thế giới mỗi năm mất đi từ 80-120 tỷ USD.
Thông qua thu thập số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả phân tích của Trung tâm Thương mại và Môi trường McKinsey, nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng hiện có hơn 150 triệu tấn rác thải đại dương và ít nhất 8 triệu tấn nhựa trôi nổi mỗi năm tại đây, tương đương việc cứ mỗi phút lại có một xe đầy rác đổ ra biển.
Quỹ Ellen MacArthur cảnh báo nếu thế giới không hành động, thì tới năm 2030 trung bình cứ một phút sẽ có 2 xe rác được đổ ra biển và tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên thành 4 xe rác khi mà dân số thế giới tăng lên mức cao nhất.
Qua nghiên cứu này, Quỹ Ellen MacArthur muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cuộc cách mạng tái chế nhựa hiện nay, đồng thời đề xuất thiết lập một cơ chế mới nhằm hạn chế việc vứt bỏ rác thải nhựa ra ngoài thiên nhiên, đặc biệt là các đại dương./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/toi-nam-2050-rac-thai-nhua-se-nhieu-hon-ca-o-cac-dai-duong/367446.vnp