Một hội thảo quốc tế nhằm thúc đẩy xóa bỏ những rào cản về luật pháp tạo điều kiện kết nối giao thương châu Á vừa diễn ra tại Singapore trong hai ngày mới đây, do Học viện Luật pháp Singapore (SAL) tổ chức.
Chủ tịch Học viện Luật pháp Singapore (SAL) ông Sundaresh Menon phát biểu tại hội thảo.
(Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)
Khoảng 500 đại biểu bao gồm các thẩm phán, luật sư, các nhà hoạch định chính sách cấp cao cùng đại diện các viện nghiên cứu trong khu vực đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các giải pháp cho những thách thức về hệ thống luật pháp của các quốc gia, tạo sự hài hòa hóa để góp phần tạo môi trường thông thoáng cho hàng hóa được lưu chuyển dễ dàng hơn.
Các chuyên gia dẫn chứng rằng khảo sát của PwC dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương năm 2013 cho thấy các quy định và tiêu chuẩn không phù hợp được coi là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong một báo cáo năm ngoái, tạp chí The Economist cũng nhấn mạnh một hệ thống luật pháp không chắc chắn là thách thức lớn nhất ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cũng như tăng trưởng kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Sundaresh Menon- Chủ tịch SAL nhấn mạnh châu Á đứng trước một cơ hội duy nhất trong lịch sử, khi mà tăng trưởng kinh tế và hội nhập sẽ tạo ra một sự đột biến chưa từng có trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực.
Ông Sundaresh Menon: “Tuy nhiên, quá trình này đang bị cản trở bởi có sự không đồng nhất đáng kể giữa các hệ thống pháp luật châu Á. Và vì vậy, đã đến lúc cần phải thiết lập các tiêu chuẩn pháp lý chung để cùng vượt qua những khác biệt, mở cánh cửa cho buôn bán thương mại tự do hơn."
Chia sẻ quan điểm này, ông Lee Eng Beng, đối tác quản lý của SAL đến từ Công ty Rajah & Tann (Singapore) cho hay: Trong thế giới kinh doanh ngày nay, nhiều giao dịch chủ yếu sẽ diễn ra trong hơn một thẩm quyền.
Trong khi đó, các quy tắc thường khác nhau giữa các quốc gia, dẫn đến sự tốn kém về chi phí và thời gian của doanh nghiệp, đặc biệt là trong quá trình thiết lập các doanh nghiệp mới và giao dịch qua biên giới…
Để hiện thực hóa các sáng kiến hài hòa luật pháp, Viện Luật Kinh doanh châu Á (ABLI) đặt tại Singapore đã chính thức được thành lập với sự thúc đẩy của SAL, trước mắt quy tụ cộng đồng pháp lý ở một số nước châu Á và được tài trợ từ nguồn chính phủ, tư nhân cũng như sự hỗ trợ của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực pháp lý và kinh doanh.
ABLI sẽ được điều hành bởi một Ban Giám đốc gồm các thẩm phán cấp cao và các chuyên gia pháp lý đến từ Singapore, Australia, Trung Quốc và Ấn Độ.
Với mục tiêu chuẩn hóa các quy định và điều kiện kinh doanh qua biên giới để các nền kinh tế trong khu vực hội nhập nhiều hơn, ABLI sẽ tập trung vào việc xem xét, nghiên cứu và đề xuất các văn bản pháp luật về kinh doanh quốc tế; tạo lập các diễn đàn trao đổi ý tưởng, thông tin và kiến nghị; lập kho dữ liệu về thông tin luật pháp…
Trước mắt, trong từ 2-3 năm đầu tiên, ABLI sẽ nghiên cứu và đề xuất hài hòa các quy định về việc công nhận và thi hành bản án nước ngoài ở châu Á thông qua hình thức phát hành sổ tay hướng dẫn, văn bản cốt lõi, một luật mẫu hoặc dự thảo hiệp ước; phát triển một tài liệu về định nghĩa, nguyên tắc chung và mô hình cho các hợp đồng trong các giao dịch xuyên biên giới khu vực châu Á./.
MỸ BÌNH-LÊ HẢI (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/go-bo-rao-can-luat-phap-tao-dieu-kien-thuc-day-giao-thuong-chau-a/367917.vnp