Chúng tôi đến thăm các đảo Bình Ba, Lý Sơn thuộc vùng đảo Nam Trung Bộ, nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Công cuộc dựng xây nông thôn mới đã đem lại diện mạo mới, sinh khí mới trên những vùng biển, đảo cách trở, đi lại khó khăn này.
![](/upload/2016/PHOTO/Thang-1/31/dao2.jpg)
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Làm giàu từ tôm hùm
Đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, có bốn thôn, gồm Bình Hưng, Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An. Không xa lắm, nhưng cách trở đi lại. Đảo Bình Ba nói riêng, xã Cam Bình nói chung gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Vậy mà, đến năm 2014, xã Cam Bình đã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được cả 19 tiêu chí nông thôn mới, những xã ở đồng bằng, thành phố còn gian nan, vất vả, huống hồ ở đây là đảo. Có so sánh như vậy mới thấy rõ ý chí, nỗ lực vươn lên của người dân nơi này. Và đạt được những kết quả nói trên là một câu chuyện thật dài, thật nhiều ý nghĩa.
Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình Nguyễn Hữu Thông lý giải với chúng tôi: Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho xã đảo đúng mức, nhất là việc phê duyệt quy hoạch đường làng, lối xóm. Qua đó nhân dân tự giác huy động, đóng góp để đầu tư, nên đến nay Cam Bình không còn đường cát lún, lầy lội. Và Cam Bình phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm hùm. Con tôm hùm đã đem lại cho nhân dân đảo Bình Ba một sức sống, sức vươn lên mạnh mẽ. Nói chuyện con tôm hùm, hồi năm 1999, Bình Ba có khoảng 20 tấn tôm hùm. Theo thời giá, người dân Bình Ba có trong tay hơn bảy tỷ đồng. Còn năm 2015, Bình Ba có không dưới 250 tấn tôm hùm (sản lượng tăng lên hơn chục lần). Nguồn thu nhập từ tôm hùm, theo đó cũng tăng lên tương ứng. Năm 2015 vừa qua, Bình Ba thu hơn 200 tỷ đồng từ nuôi tôm hùm. Đem chia con số này cho 850 hộ, với 3.600 nhân khẩu của đảo Bình Ba mới thấy sự đóng góp của con tôm hùm là quan trọng thế nào trong đời sống người dân nơi đây. Theo ngư dân Diệp Chấn Hưng, ở thôn Bình Ba Đông, nông thôn mới Cam Bình hôm nay khang trang, không còn hộ dân nào phải đói nghèo là nhờ chính quyền giúp dân đi đúng hướng, biết phát huy sức mạnh của dân. Số hộ thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm là rất nhiều, không thể kể hết. Còn số người có thu nhập mỗi năm một vài tỷ đồng cũng không phải hiếm. Mà nguồn thu nhập chính của người dân xã đảo chính là nguồn thu từ tôm hùm.
Điển hình là trường hợp anh Nguyễn Ngọc Huy, sinh năm 1972. Năm 2005 - 2006 tôm hùm nuôi chết sạch, anh trắng tay. Chạy vạy vay mượn từ nhiều nguồn, anh lần hồi làm lại từ đầu và hiện đã có tới 100 ô nuôi, khoảng 6.000 con tôm hùm, tính sản lượng chừng 5 tấn. Anh còn xây dựng khách sạn Phát Đạt to nhất nhì Bình Ba. Ai đó bảo Nguyễn Ngọc Huy đang đi rất đều, bằng "hai chân", "chân" tôm hùm và "chân" du lịch. Mà "chân" nào cũng khỏe. Nguyễn Ngọc Huy tâm sự: “Làm ăn lúc được lúc mất nhưng theo em mọi người phải quyết tâm, chí thú xây dựng kinh tế và nhất là phải rút được kinh nghiệm trong làm ăn thất bại, qua đó mới vực dậy được”.
Khởi sắc nhờ có điện
Khi chúng tôi đến huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền ở đây xác định, đưa điện lưới quốc gia ra các đảo là chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước. Có điện, Lý Sơn đã huy động các nguồn lực đầu tư hơn 120 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở. Từ cuối năm 2014 đến nay, huyện đảo Lý Sơn đầu tư xây dựng 17 công trình, dự án trọng điểm như hệ thống cấp nước sinh hoạt, nâng cấp đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phục vụ nhu cầu dân sinh của bà con trên đảo. Bên cạnh việc đầu tư, Lý Sơn cũng thu hút doanh nghiệp để phát triển hai ngành kinh tế mũi nhọn là thủy sản và du lịch. Sau một năm có điện lưới quốc gia, Lý Sơn đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp đến đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng, vốn đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Thanh khẳng định với chúng tôi như vậy và cho biết thêm: Sau một năm có điện, Lý Sơn đã có nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội; tổng thu ngân sách huyện đạt 120 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Hai lĩnh vực thủy sản và du lịch đạt mức doanh thu gấp ba lần so với năm 2014. Năm 2015, Lý Sơn đã đón hơn 169.000 lượt khách du lịch ra vào đảo, cao gấp năm lần so với thời điểm chưa có điện quốc gia. Điện quốc gia ra đảo tác động mạnh đến kinh tế - xã hội huyện đảo, thay đổi diện mạo vùng nông thôn đảo xa. Nhiều hộ gia đình chuyển đổi nghề nghiệp, mở rộng làm ăn xây dựng quê hương.
Đưa điện ra đảo giúp nông dân giảm gánh nặng chi phí, giải phóng sức lao động ở các ruộng hành, tỏi (1/3 diện tích đất để phát triển nông nghiệp ở Lý Sơn là trồng hành, tỏi - cây trồng chủ lực của huyện đảo này). Tháng 5-2015, ông Lê Văn Bình ở thôn Đông, xã An Hải đã đầu tư hơn 500 m dây điện, 12 trụ bê-tông và công-tơ điện. Ông kéo điện trực tiếp từ trạm hạ thế ra ruộng tỏi của gia đình. Có điện, ông đầu tư thêm hệ thống ống nước và phun tưới tự động cho bốn sào hành, tỏi. Theo tính toán của ông, những vụ trước ông tốn hơn một triệu tiền dầu chạy máy bơm thì nay có điện, ông chỉ tốn khoảng 500 nghìn đồng chi phí tưới tiêu. Với chi phí đầu tư ban đầu hơn 20 triệu đồng, ông thu lợi rất nhiều cho những vụ sau. Điện ổn định để tưới nước, giá lại rẻ hơn so với các đầu tư khác nên nông dân Lý Sơn biết ơn Đảng, Nhà nước.
Theo tính toán của nhà nông Lý Sơn cứ dùng một lít dầu tương đương ba số điện. Khi đưa điện ra đồng, chi phí sản xuất giảm hơn 50%. Với 350 ha trồng hành, tỏi thì khi đưa điện lưới ra đồng, mỗi năm nông dân Lý Sơn có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng từ việc tưới tiêu. Đưa điện ra đồng chỉ tốn chi phí đầu tư giai đoạn đầu, còn về lâu dài sẽ giảm thời gian, chi phí trong sản xuất và không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều nông dân cho rằng, vì giá nông sản bấp bênh nên việc giảm chi phí đầu tư là ưu tiên hàng đầu để giảm thua lỗ trong sản xuất. Từ năm 2015, ngành nông nghiệp huyện Lý Sơn đã khuyến khích xã hội hóa việc đưa điện ra ruộng hành, tỏi và thời gian tới Lý Sơn quy hoạch vùng triển khai dự án đưa điện ra đồng với tổng kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng./.
Theo nhandan.com.vn