Sau những phiên đàm phán căng thẳng, ngày 4/2, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết tại Auckland-New Zealand.
Hiệp định TPP sắp được ký kết vào ngày 4/2 tới
Hiệp định thế kỷ này sẽ là cú hích lớn, tạo đà phát triển cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, đi cùng với những cơ hội sẽ là những thách thức không nhỏ.
Theo tính toán của các chuyên gia độc lập, khi Hiệp định TPP được ký kết, sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.
TPP cũng sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may. Đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là ở thị trường Hoa Kỳ, bởi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiện chịu thuế suất khoảng 17% - 18%, khi TPP được ký kết thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%.
Với các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội khối TPP, nên trong dài hạn điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu, cụ thể là sản xuất sợi, dệt nhuộm. Và điều quan trọng là dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội xây dựng ngành phụ trợ cho mình.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: "TPP là hiệp định có tính thế kỷ, nếu ký được thì sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, trong đó có các doanh nghiệp trong ngành dệt may của chúng ta nói riêng.
Đối với các FTA hay TPP khi được ký kết thường mang lại những lợi ích đầu tiên đó là được giảm thuế đối với hàng nhập khẩu mà cụ thể là đối với ngành dệt may. Rõ ràng là chúng ta chưa có nỗ lực nào khác nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ của các hiệp định này thì chúng ta đã nghiễm nhiên có được sự cạnh tranh. Nếu như có khoảng 15, 16% bình quân về thuế thì nó giảm xuống 7,8%, điều này đã rất thành công và rất thuận lợi cho các doanh nghiệp".
Hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức. Điều khiến nhiều người lo ngại là việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản. Một điểm nữa là, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Đây là khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giày.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, TPP là hiệp định đặt ra tiêu chuẩn rất cao trong đó có phần cam kết mở cửa thị trường các nước dành cho nhau và đây là cơ hội trực tiếp mà các nước đều hướng đến.
Tuy nhiên, khả năng tận dụng các cơ hội như thế nào là vấn đề cần đặt ra. Ví dụ, để được hưởng các ưu đãi thuế nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam cần đáp ứng được quy tắc về xuất xứ, làm được một số khâu ở Việt Nam thì mới được hưởng ưu đãi của TPP. Sau quá trình ký kết, sẽ có 2 năm cho các nước phê chuẩn theo đúng quy định pháp luật của mỗi nước. Chính vì vậy, quá trình chuẩn bị để phê chuẩn hiệp định thì cũng chính là giai đoạn để chúng ta chuẩn bị nhằm tận dụng được những cơ hội mà hiệp định mang lại.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, khi tham gia TPP thì rào cản lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Để nâng lên ngang tầm với những yêu cầu kinh tế quốc tế, Việt Nam cần phải có thời gian để hoàn thiện, cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí không chính thức… Với các doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội lớn để đổi mới toàn diện:
"Trước hết doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện nhanh chương trình tái cơ cấu mà đã được thúc đẩy từ mấy năm nay rồi. Phải cổ phần hóa, phải rút bớt vốn, thoái vốn và trên cơ sở đó, đồng bộ với nó là phải đổi mới năng lực quản trị doanh nghiệp, đổi mới năng lực quản trị theo hướng hiện đại. Tức là tất cả những gì đã đúc kết được cũng như những gì chúng ta có thể tiếp thu được của thế giới thì phải cố gắng làm" - ông Lưu Bích Hồ cho biết thêm.
Trải qua hơn 20 vòng đàm phán, TPP khi được ký kết sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất, với 800 triệu dân, tổng GDP lên tới 28 nghìn tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, TPP sẽ là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP trong đó có Việt Nam./.
Theo Chung Thủy - Việt Hà/VOV.VN - Trung tâm Tin