Cập nhật: 11/02/2016 10:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con đường bám dọc biên giới Việt - Trung không chỉ mang tầm vóc về quân sự mà thực sự là con đường ấm no, hạnh phúc cho hàng triệu đồng bào.

Tuyến đường tuần tra biên giới ở Quảng Ninh có cảnh quan hiểm trở, hùng vĩ

Đường tuần tra biên giới quốc gia là một dự án chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới, được kỳ vọng mang lại những đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi phên dậu Tổ quốc.

Từ thành phố địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh), xe chúng tôi chạy theo con đường thênh thang bám dọc biên giới Việt - Trung trải về phía Tây, đi qua các huyện Hải Hà, Bình Liêu. Trong tiết Xuân, mưa bụi lây rây, gió núi rẽ những vạt sương mai tô thêm cảnh khiến con đường vắt qua vùng biên cương Đông Bắc tựa như “chạy thẳng vào tim”, thơ mộng và hùng vĩ lạ kỳ.

Cung đường chúng tôi hoà vào chỉ khoảng 80km, nhưng đây lại là điểm bắt đầu của đường tuần tra biên giới, được mệnh danh là con đường “Nam quốc sơn hà” và giữ vai trò chiến lược kinh tế, quân sự quốc gia.

Tiếng hát của những người lính biên phòng theo chúng tôi suốt hành trình, họ tự hào kể câu chuyện về sự khởi đầu của con đường phên dậu này. Cuối những năm 1980, Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), lúc bấy giờ đang là Tư lệnh Quân khu 3, thường xuyên đi kiểm tra tuyến biên giới Móng Cái, Bình Liêu.

Từ cảm giác băn khoăn, không an lòng khi thấy biên thuỳ miền Đông Bắc có nơi vào sâu 5-7km không có người ở, không có đường bám biên, chỉ có đường ngang xương cá, ông đã định hình nên ý tưởng, phải đưa dân ra bám biên, phải xây dựng một con đường tuần tra biên giới.

“Nói là làm”, từ những km đầu tiên ở Pò Hèn, Thán Phún, Lục Phủ (Móng Cái), giờ đây, con đường phên dậu đã và đang dần thành hình, sẽ trải dài 10.196km và đi qua 25 tỉnh biên giới. Có nơi đường bám ngay biên, nơi xa nhất chỉ chừng 1km, do chính các đơn vị công binh phá núi, mở đường. Nếu các cột mốc là những nét chấm đánh dấu đường biên, thì đường tuần tra biên giới chính là nét vẽ phác lên dáng hình đất nước.

Đại tá Nguyễn Văn Thiện, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là chủ trương, dự án lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa và tầm quan trọng trong bảo vệ biên giới lâu dài, duy trì trật tự an ninh ở khu vực biên giới; giúp cho bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra được thường xuyên, tránh việc vi phạm các Hiệp định, quy chế quản lý biên giới.

Tuyến đường này phục vụ cho phát triển kinh tế ở địa phương và các dự án phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Có tuyến đường này là vấn đề giao thương, giao lưu giữa miền xuôi và miền ngược, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, và những người dân ở biên giới chủ động hơn với cuộc sống của mình”.

 “Tất cả là nhờ có đường vành đai (đường tuần tra biên giới) này đấy” - đón chúng tôi trong gian nhà ngói rộng rãi, anh Tằng Vằn Lầu, Bí thư thôn Phật Chỉ, xã Đồng Văn – thôn cao nhất của Bình Liêu hồ hởi tâm sự. Đầu năm 2001, vợ chồng anh đã theo lời gọi lên nơi xa xôi này xây dựng kinh tế.

“Nhưng đường hồi ấy xấu, đường đất toàn đá sỏi, xe máy đi vất vả lắm”. Người Dao, người Tày ở đây chỉ có nhà trình tường bằng đất lúp xúp, nhòa lẫn vào mênh mông rừng hồi, rừng quế. Không có đường, dân thưa, bản nhỏ đìu hiu, hơn 99% là hộ nghèo đói. Vậy mà khi có đường, đường xây đến đâu màu ngói mới đỏ tươi theo đến đó, Phật Chỉ trở thành đất kinh tế mới nhanh chóng đổi thay.

A Lầu nói như reo: “Nhà thì đông hơn, vui hơn. Người ta có cái nhà cửa để ở khang trang thì mới tập trung vào phát triển kinh tế ngày một đi lên được. Mình có con đường này, bà con mua sắm xe máy đi lại, đong gạo, mua thức ăn thuận tiện, chứ còn mãi như xưa thì mình chỉ có đi bộ thôi. Được cái sự thay đổi ấy mình rất phấn khởi”.

Chỉ trong năm 2015, Phật Chỉ đã được hỗ trợ 200 tấn xi măng, rồi bà con góp gạch dựng nhà, làm sân khang trang, sạch sẽ. Có đường rồi, ai ốm đau cũng xuống bệnh viện huyện dễ dàng; trường học đón được nhiều học sinh hơn, xe thu mua lâm thổ sản vào tận bản. Cuộc sống đổi thay, kinh tế khấm khá hơn cũng đồng nghĩa cho sự an tâm vững tin về cuộc sống đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc.

Dẫn chúng tôi đi chào các cột mốc ở Đồng Văn là anh Nguyễn Quý Yên, Trạm phó Trạm kiểm soát biên phòng Đồng Văn, người có duyên công tác nhiều năm ở vùng đất này. Hơn 10 năm trước, dù đi từ sáng sớm, anh và đồng đội cũng mất cả ngày trời tuần tra đường biên, chỉ cuốc bộ băng rừng, mũ vương đầy cây lá, bước chân vương trên đá sỏi.

“Đường tuần tra bây giờ là đường bê tông, vào được tất cả các vị trí mốc rất thuận lợi. Khi nắm được thông tin trên thôn bản nào có vấn đề gì về an ninh trật tự là cán bộ chiến sĩ của trạm cơ động rất nhanh, sau 10-15 phút là đã có mặt ở những vị trí rất xa rồi, chứ không như ngày xưa mất hàng tiếng mới lên tới nơi. Mà đi lại thì anh em cũng đỡ vất vả hơn nhiều” – anh Yên nói.

Quân dân cũng gặp nhau thường xuyên, thân thiết tựa như người trong gia đình. Con đường đưa người dân đến gần biên cương hơn, rồi chính đồng bào lại trở thành những “cột mốc sống”, những “người lính không mang quân hàm” gìn giữ từng tấc đất quê hương. Mấy năm gần đây, nhiều đoàn khám phá, du lịch cũng tìm đến biên giới đông hơn trước, lòng tự hào dân tộc dâng lên theo từng bước chân trên đường biên mốc giới.

Dù chưa có dịp đặt dấu chân lên những nẻo đường tuần tra khác, nhưng chỉ nơi địa đầu này, cảnh tượng biên thùy đã khiến chúng tôi ngây ngất. Con đường mềm như dải lụa phơi bên bờ suối, vắt bên những cánh rừng xanh ngút ngát ở Móng Cái. Con đường tựa như sợi chỉ bện qua lưng núi, một bên núi cao, một bên thung sâu thẳm. Có khi lên cao hơn 1.000m, xuyên qua biển mây mù trắng như bông, có khi lại ngả mình qua những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp ở Bình Liêu.

Hùng vĩ đấy, rợn ngợp đấy, nhưng không gần gũi, thân quen sao được khi ở nơi biên cương xa ngái nhìn về đất mẹ, có ai đó hát bài ca: “Cỏ vẫn xanh dọc theo đường biên/Đường tuần tra hôm nay đẹp quá”. Tôi biết, một ngày không xa, nếu cứ đi mãi theo con đường trải rộng trước mặt, hành trình sẽ tới Lạng Sơn, Cao Bằng, hết Tây Bắc rồi song song với đường biên Việt - Lào, ngắm Tây Nguyên từ biên ải, theo mãi vào Nam Bộ và kết thúc hành trình của mình tại Kiên Giang. Đó sẽ là hành trình trọn cho một đời người.

Chia tay, anh Nguyễn Tiến Dũng, Trạm trưởng còn bảo, anh ấp ủ ý tưởng muốn tổ chức đêm Giao thừa cho đồng bào nơi biên giới, cùng đốt lửa đón năm mới, uống chén rượu và trao nhau lời chúc thân tình. Gió biên ải lạnh buốt từng cơn, nhưng chúng tôi thấy lòng ấm áp khi nghĩ tới niềm vui của đồng bào trong đêm Giao thừa. Mùi khói bếp xốn xang bản làng mới, tới bước chân tung tăng của lũ trẻ trên con đường lớn đến trường, tới tinh thần vững chãi của những người lính quân hàm xanh.

Tất cả như dệt nên mùa Xuân trên những nẻo đường tuần tra nơi biên thùy xa xôi, khiến chúng tôi chẳng cần phải ngắm hoa đào nở, chẳng cần phải nghe rộn rã tiếng pháo hoa, cũng thấy mùa xuân đang ngập tràn trong lồng ngực mỗi người./.

Theo Trường Giang/VOV.VN

Tệp đính kèm