Cập nhật: 11/02/2016 10:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuộc sống của ông Văn đang yên lành bỗng xáo trộn từ việc ông bị hàm oan, điều tiếng với xóm làng.

Ảnh minh họa

Đang là hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, bỗng chốc ông Văn và ông Hồng (đều trú tại xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) phải đưa nhau ra tòa để nhờ pháp luật phân giải. Câu chuyện cũng bắt đầu từ việc con gái ông Hồng là chị Thi (SN 1987) – bị bệnh tâm thần bẩm sinh, bỗng nhiên… có thai.

Khoảng tháng 3/2013, gia đình Hồng tình cờ phát hiện cô con gái mang bệnh tâm thần của mình mang thai. Cuối tháng 7 năm đó, chị Thi sinh hạ một bé trai đặt tên là Đặng.

Từ việc con gái bỗng nhiên mang thai cũng khiến tâm trạng của người làm cha thêm phần chua xót, ông Hồng đã nhiều lần gặng hỏi rồi người con gái này trả lời bừa là bị ông Văn cưỡng bức.

Từ lời người con gái tạo cho ông ấn tượng về người hàng xóm của mình, nhìn cháu bé mới hạ sinh, ông nghĩ nó có nhiều nét hao hao giống ông Văn. Rồi ngày 1/8/2013, ông quyết làm đơn gửi cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ sự việc.

Từ lá đơn của người hàng xóm, cuộc sống của ông Văn – người nông dân thôn quê vốn đang yên ổn bỗng nổi sóng.

Tai bay vạ gió ập vào cuộc sống gia đình ông. Sau lá đơn, ông liên tục phải làm việc với Công an xã Vân Nam rồi đến Công an huyện Phúc Thọ. Vốn dĩ ở thôn quê, tiếng xấu đồn xa, bỗng chốc ông Văn bị tiếng là cưỡng bức con gái hàng xóm đáng tuổi con cháu mình.

Từ khi bị tai tiếng, ông Văn sống trong tủi nhục, u uất xấu hổ. Ông nhục với bạn bè, anh em nội ngoại, nhục nhã với thông gia hàng xóm láng giềng. Ông cũng bị chính vợ con hiểu lầm quay mặt bắt cách ly như một con hủi. Cuộc sống gia đình ông trở nên xáo trộn, người thân trong gia đình còn dọa tự vẫn.

Rồi đến cuối tháng 10/2013, cơ quan Công an huyện Phúc Thọ cũng có kết luận giám định về vụ việc. Theo Bản kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự, ông Văn không phải là cha đẻ của cháu Đặng.

Tưởng rằng, với bản kết luận này, ông Văn sẽ được minh oan, trả lại sự trong sạch cho mình, nhưng người hàng xóm vẫn không tin. Ông Hồng tiếp tục đưa ra lời lẽ hăm dọa, rồi tung tin kết quả giám định được ông Văn “mua”.

Vẫn chưa dừng lại, ông Hồng liên tục gửi đơn đề nghị giám định lại vì nghi ngờ quy trình thu mẫu giám định có sai sót dẫn đến kết luận giám định là không đúng dù rằng, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã có công văn trả lời việc thu mẫu giám định hoàn toàn đúng quy trình.

Cuối tháng 4/2014, Công an huyện Phúc Thọ lại ra quyết định trưng cầu giám định đến Viện Pháp y Quốc gia đồng thời đưa ông Văn, chị Thi, cháu Đặng đi lấy kết quả giám định.

Viện pháp y Quốc gia đã tiến hành thu mẫu ADN trực tiếp trên 3 người trước sự chứng kiến của gia đình ông Hồng, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Hồng cũng như chính quyền địa phương. Kết quả giám định lần này tiếp tục khẳng định, ông Văn không phải là bố ruột của cháu Đặng.

Với hai kết quả giám định, nghi án cô gái bị tâm thần bị người hàng xóm hiếp dâm cũng khép lại. Rồi để giải quyết việc hàm oan, ông Văn làm đơn đưa người hàng xóm ra tòa xem xét tội Vu khống. Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hồng 9 tháng tù treo vì hành vi vu khống đối với người hàng xóm.

Lên tòa cấp phúc thẩm vào cuối năm 2014 đã quyết định hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng cần làm rõ bị cáo đã loan tin vu khống như thế nào…

Đúng – sai của câu chuyện đã được cơ quan pháp luật xác định, ông Văn không phạm tội cưỡng bức khiến chị Thi mang thai, nhưng tình làng nghĩa xóm giữa hai người bỗng nhiên tan vỡ. Ông Hồng thì đang vướng vi phạm pháp luật vì bị điều tra tội Vu khống, còn ông Văn thì vẫn chịu cái điều tiếng làm chị Thi mang thai dù ông đã được rửa oan.

Luật sư Ngọc Tấn – người đang đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là ông Hồng phân tích rằng, trong vụ án này, cả ông Văn và ông Hồng đều là người đáng được chia sẻ. Khi không tìm ra được người đã cưỡng bức chị Thi thì ông Hồng cũng khó tan được nỗi ấm ức trong lòng.

Ngược lại, với ông Văn cũng chịu nhiều cực khổ, tủi nhục nhất là trong quá trình điều tra, làng xóm thì xa lánh, con cái người thân thì ruồng rẫy.

Theo luật sư Tấn, có lẽ điều cần nhất lúc này đối với ông Văn là một lời xin lỗi công khai để “rửa mặt” với hàng xóm. Buổi xin lỗi có thể được gia đình ông Hồng nhờ chính quyền, đoàn thể địa phương nơi hai ông cư trú tổ chức chứ không phải nhờ đến cơ quan pháp luật. Có như vậy, ông Văn mới có thể nguôi ngoai ấm ức vì hàm oan, còn ông Hồng – người hàng xóm cũng đỡ vướng vòng lao lý./.

*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Theo Đức Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm