Gạt đi những mong ước đời thường, nhiều cô giáo ở biên giới Lai Châu đã vượt qua những khó khăn để ở lại ăn tết cùng đồng bào vùng cao.
Yêu nghề, mến trẻ, những cô giáo vùng cao Lai Châu đã hy sinh tuổi thanh xuân, cần mẫn ngày đêm bám bản dạy chữ cho con em các dân tộc vùng cao. Gạt đi những mong ước đời thường, nhiều cô giáo đã vượt qua những khó khăn để ở lại ăn tết cùng đồng bào vùng cao.
Như nhiều hộ gia đình dân tộc Mông ở bản San Sải Hồ, xã Tủa Sin Chải, huyện biên giới Sìn Hồ, những ngày cận tết, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Hương, quê ở Tràng Định, Lạng Sơn – giáo viên Trường Tiểu học Tủa Sín Chải cũng chuẩn bị trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới.
Tám năm dạy học trên đỉnh núi mù sương Tủa Sin Chải, năm nay là cái tết thứ năm liên tiếp cô ở lại ăn tết với bà con trong bản và học sinh của mình. Một phần vì điều kiện kinh tế, đường xá đi lại khó khăn, nhưng chủ yếu là bởi cô đã nặng tình với học sinh và đồng bào vùng cao nơi đây.
Tranh thủ ngày nghỉ, cô Hương ôn tập thêm cho học sinh
Cô Hương tâm sự, năm 2007, cô lên nhận công tác tại Tủa Sín Chải. Ngày đó, đường vào trung tâm xã chủ yếu là đi bộ, nhưng do chưa vướng bận chuyện chồng con, nên tết cô vẫn về sum họp với bố mẹ, ông bà. Năm 2010, cô xây dựng gia đình riêng, điều kiện kinh tế còn khó khăn, con nhỏ nên cô ở lại ăn tết cùng học sinh và bà con mãi rồi cũng thành quen, thành vui. Đồng bào đã coi cô như người thân trong gia đình.
“Do điều kiện, hoàn cảnh tôi ở trên này ăn tết. Những ngày được nghỉ, tôi lại dạy thêm cho các cháu để cho các cháu biết thêm kiến thức. Đến những ngày rục rịch tết, học sinh đến nhà tôi cho rau, cho bánh. Học sinh vừa đến học, vừa đến giúp tôi vui nên cũng đỡ nhớ nhà hơn”- cô Quỳnh Hương cho biết.
Cũng như cô Hương, năm nay là năm thứ 3 cô giáo Nguyễn Thị Ngà, quê ở Hưng Yên ở lại ăn tết với bà con. 13 năm công tác thì có tới 10 năm cô ở điểm trường bản xa. Năm học này, cô dạy ở điểm trường Tìa Chí Lư, cách trung tâm xã khoảng 5 giờ đi bộ. Căn nhà tập thể dựng tạm bằng tre nứa ở bản Tìa Chí Lư do bà con làm cho rộng chưa đầy 10 m2, thường ngày trật trội với đủ vật dụng cho một gia đình, hôm nay cũng được xắp xếp ngăn nắp để chuẩn bị đón tết.
Cô Ngà có chồng và hai con nhỏ. Chồng cô là cán bộ y tế xã mới được trưng tập ra trung tâm y tế huyện, cách nơi cô công tác hơn 30 km. Do điều kiện khó khăn, mỗi người một nơi nên cô đã gửi hai cháu về quê ngoại học tập. Tết này chỉ có chồng cô về ăn tết với con và ông bà, còn cô ở lại ăn tết ở bản.
Cô Nguyễn Thị Ngà bày tỏ: “Thấy đồng nghiệp của tôi về hết, đêm xuống trời lạnh, nhất là giao thừa, tôi cũng thấy đắng lòng nhớ về gia đình. Trong công việc cũng như cuộc sống, đã ở với bà con dân bản thì cảm giác đã thành người dân ở đây rồi. Ở đây bà con nghèo, khó khăn, vất vả nhưng tình cảm đầm ấm lắm. Thấy lúc ở một mình, học sinh đi lên rừng chặt cành đào, bà con dân bản đến chơi, động viên nhiều nên dần dần tôi cũng quen”.
Tình cảm của người dân bản Tìa Chí Lư, xã Tủa Sin Chải với cô giáo những ngày giáp tết
Cũng như nhiều thầy, cô giáo ở trường Tiểu học Tủa Sin Chải, mùa xuân này trên địa bàn huyện biên giới Sìn Hồ có hàng trăm thầy cô giáo khác gạt đi nỗi nhớ nhà để ở lại bản ăn tết với bà con.
Ông Ngô Hoàng Thái, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết, toàn huyện Sìn Hồ có gần 2.300 cán bộ, giáo viên thì tết này cũng sẽ có hàng trăm giáo viên ở lại ăn tết với đồng bào, trong đó chủ yếu là cô giáo. Hầu hết những nơi có giáo viên ở lại là các trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn về đường xá đi lại và cuộc sống sinh hoạt.
Ở lại bản ăn tết, các cô giáo còn thực hiện nhiệm vụ vận động học sinh đến trường sau tết. Chỉ tiếc là ngành không có kinh phí hỗ trợ tết, mà chỉ có những lời động viên chân thành gửi gắm các thầy, cô và mong muốn các thầy, cô cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
“Khó khăn của giáo viên nữ là địa bàn đi lại rất là khó khăn, nhất là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải dậy ở những điểm bản xa. Thứ hai là điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe của các cô cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là các cô giáo công tác ở các bản mà đi bộ. Ngành giáo dục không có nguồn thu nhập thêm nên không có tiền thưởng.
Do nguồn kinh phí có hạn nên giáo viên cũng tương đối khó khăn trong dịp tết này. Tôi mong các cô hãy khắc khắc phục khó khăn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, giữ gìn sức khỏe để đón cái tết Nguyên đán thật vui vẻ”- ông Ngô Hoàng Thái nói.
Một mùa xuân nữa lại về, sắc đào đang nhuộm thắm núi rừng vùng cao. Gắn bó, tâm huyết với mảnh đất gian khó, bên đàn em nhỏ nơi biên giới Sìn Hồ, những ngày này cô Hương, cô Ngà cũng như hàng trăm cô giáo khác đang chung vui, gói bánh chưng, giã bánh dày và cùng mổ lợn ăn Tết với đồng bào.
Các cô vượt khó cũng chỉ với mong ước duy nhất là các em học sinh nơi đây đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai tươi sáng và cuộc sống ấm no hơn./.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc/VOV.VN